Cần đầu tư công nghệ thông tin trong chuyên môn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2016 | 9:55:53 AM

YBĐT - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) là yêu cầu bức thiết để hiện đại hóa ngành y tế. Tuy nhiên, vấn đề này trong thời điểm hiện tại đang còn gặp nhiều khó khăn.

Ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán BHYT ở huyện Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn do thiếu máy tính, mạng Internet và nhân lực áp dụng CNTT.
Ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán BHYT ở huyện Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn do thiếu máy tính, mạng Internet và nhân lực áp dụng CNTT.

Hiện nay, ngành y tế đang tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong KCB BHYT với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động KCB và thanh toán BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT. Hiện nay, Sở Y tế đang sử dụng phần mềm quản lý điều hành và đã triển khai tại 100% đơn vị tuyến tỉnh, huyện; bước đầu triển khai văn bản điện tử (các văn bản chỉ đạo của Sở gửi các đơn vị trong ngành thông qua phần mềm).

Hiện 100% bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý KCB, trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Bệnh viện Tâm thần đã áp dụng phần mềm KCB hoạt động ổn định, còn lại các cơ sở đang triển khai và mới áp dụng được một phần. Tuy nhiên, tuyến huyện và các trung tâm y tế, việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh còn 88 trạm y tế xã và 15 phòng khám đa khoa khu vực chưa triển khai phần mềm quản lý KCB. Đáng chú ý, còn 18 trạm y tế xã tại các huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn chưa có đường truyền Internet và nhiều trạm còn chưa có máy vi tính.

Ông Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải cho biết: “Thực hiện đồng bộ hoá toàn bộ phần mềm KCB BHYT ở Mù Cang Chải gặp rất nhiều khó khăn. Trước mắt, mới chỉ thực hiện ở Trung tâm Y tế huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực và các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Mồ Dề, còn lại chưa áp dụng được, do một số xã không có đường truyền internet”.

Khó khăn trong ứng dụng CNTT còn do danh mục kỹ thuật và giá dịch vụ KCB trong thời gian qua có nhiều thay đổi, chưa được đồng bộ. Đặc biệt, từ  tháng 3/2016, lại phải tính giá khác nhau cho đối tượng có và không có BHYT theo Thông tư liên tịch số 37, nên việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB càng thêm khó khăn. Theo Thông tư số 43 có đến 17.000 kỹ thuật, trong khi Thông tư liên tịch số 37 chỉ có hơn 1.800 kỹ thuật. Độ “vênh” quá lớn giữa 2 thông tư khiến bộ phận CNTT của cơ sở KCB rất vất vả để cập nhật.

Được biết, Bộ Y tế ấn định thời gian các sở y tế hoàn thành việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT trước 30/6/2016. Để hiện thực hóa kế hoạch này, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành kế hoạch số 25/KH-SYT, ngày 14/02/2016, kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 54/QĐ-SYT, ngày 03/02/2016 về việc thành lập Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT trong KCB ngành y tế tỉnh Yên Bái; chỉ đạo các cơ sở KCB trong ngành kết hợp các nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB.

Cụ thể, đối với các đơn vị đã có phần mềm quản lý bệnh viện, cần đẩy mạnh ứng dụng, chỉnh sửa hoàn thiện phần mềm, thực hiện kết xuất số liệu theo các biểu mẫu quy định. Đối với các đơn vị chưa có phần mềm: thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu, đảm bảo cung ứng đủ hạ tầng CNTT (máy vi tính, mạng Internet) trước 31/3/2016; làm việc và ký hợp đồng với các nhà cung cấp phần mềm (VNPT hoặc Viettel Yên Bái) để thuê phần mềm quản lý KCB đảm bảo kết xuất số liệu theo các biểu mẫu quy định trước 30/4/2016. Trước ngày 31/5/2016 đảm bảo liên thông kết nối dữ liệu với các cơ sở KCB.

Bác sỹ chuyên khoa II - Trần  Lan Anh - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trình độ  CNTT của phần lớn cán bộ y tế còn hạn chế, nhất là cán bộ y tế các huyện vùng cao và tuyến xã. Một số đơn vị tuyến huyện thiếu cán bộ CNTT, hạ tầng CNTT tại nhiều đơn vị chưa đáp ứng như thiếu máy vi tính (cả tuyến huyện và tuyến xã); thiếu nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT như mua máy vi tính, hạ tầng mạng Internet, thuê phần mềm quản lý KCB, đào tạo CNTT cho cán bộ gây khó khăn cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT”.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ tăng cường công tác chỉ đạo ứng dụng CNTT trong toàn ngành; chỉ đạo các đơn vị chưa có phần mềm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các hợp đồng thuê phần mềm với các nhà cung cấp (VNPT, Viettel). Đồng thời, bố trí kinh phí, tổ chức các lớp đào tạo CNTT cho cán bộ nhân viên; tiếp tục lập các dự án vận động nguồn kinh phí đầu tư cho các cơ sở KCB các tuyến.

 Văn Thông