Hãy yêu thương và sẻ chia!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2016 | 3:09:42 PM

YBĐT - Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại, nhất là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, các em dễ bị tổn thương về sức khỏe, tâm lý. Ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người xung quanh sẽ làm các em thêm tự ti, mặc cảm. Bởi thế, giúp trẻ nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng rất cần sự quan tâm, chia sẻ và có những chính sách chăm lo.

Một buổi gặp mặt tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (Trấn Yên).
Một buổi gặp mặt tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (Trấn Yên).

Những số phận đáng thương

Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV gồm trẻ bị nhiễm HIV và trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV nhưng trẻ không nhiễm, luôn gặp những khó khăn trong cuộc sống. Những rào cản từ việc kỳ thị, phân biệt đối xử làm trẻ khó tiếp cận các cơ hội chăm sóc sức khỏe, y tế, học hành…

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có khoảng 200 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, trong đó 61 trường hợp trẻ nhiễm HIV. Đa số các em đều thuộc gia đình khó khăn, nhiều trường hợp bố mẹ mất vì nhiễm HIV/AIDS, trẻ ở với ông bà nên việc chăm sóc cho các em còn nhiều hạn chế.

Đơn cử trường hợp của em Ngô Lan P. 11 tuổi ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, P. nhiễm HIV do lây từ mẹ mà gia đình em không hề hay biết. Chỉ khi bố em đi cai nghiện ma túy và xét nghiệm máu mới phát hiện bệnh. Chính vì sự thiếu hiểu biết của bố mẹ mà khi sinh ra em đã phải sống chung với căn bệnh HIV. Chẳng bao lâu sau, bố em bệnh nặng qua đời, bỏ lại mẹ con em vừa bệnh tật vừa mặc cảm với gia đình, làng xóm. Đến thăm hai mẹ con P. vào một buổi chiều khi em đã tan học, chúng tôi bước vào căn nhà sạch sẽ nhưng vắng vẻ và buồn.

Điềm đạm tiếp chúng tôi nhưng mẹ của P. vẫn có phần gượng gạo, trong gương mặt khắc khổ, hốc hác của chị, chúng tôi biết rằng, cuộc sống của mẹ con chị đã hoàn toàn thay đổi khi bố P. mất và căn bệnh quái ác bám lấy cả hai mẹ con.

“Thời gian đầu khó khăn, vất vả lắm, bố cháu thì mất, gia đình trở thành tâm điểm bàn tán của mọi người. Tôi thì suy sụp vì không ngờ căn bệnh mình mới chỉ thấy trên ti vi lại hiện diện ngay trong gia đình mình. Thương nhất là cháu P. bị bệnh thế này rồi sẽ học hành thế nào, tôi buồn lắm” - chị Nguyễn Thị H, mẹ P. xúc động tâm sự.

Cũng bị lây nhiễm HIV từ mẹ, nhưng Hoàng Tiến Đ. 13 tuổi, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái còn có số phận đáng thương hơn P. vì khi biết Đ. bị nhiễm HIV, mẹ em bỏ nhà ra đi, còn bố em qua đời vì HIV/AIDS. Đ. sống nhờ vào tình thương của ông bà nội và họ hàng. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, tình cảm, mà điều khiến Đ. buồn hơn cả là từ khi biết em bị bệnh mọi người đã nhìn em với ánh mắt khác. Người thân của em cho hay, từ khi biết mình mắc bệnh, bố qua đời, Đ. đã bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Hơn nữa, người dân địa phương có chút e ngại với em và gia đình. Chính vì lẽ đó mà dù đã được sự can thiệp của chính quyền địa phương, nhà trường và các ngành chức năng nhưng việc đến trường học tập, hòa nhập với cộng đồng của Đ. vẫn gặp khó khăn.

Cần lắm sự yêu thương 

Trẻ em nhiễm HIV và trẻ em trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS đều có quyền bình đẳng, được tham gia các hoạt động xã hội, được chăm sóc bảo vệ, giáo dục như mọi trẻ em khác. Hiện nay, các trường học đều tiếp nhận trẻ em bị nhiễm HIV tham gia học tập. Tuy nhiên, một số phụ huynh lo ngại vì sợ lây nhiễm cho con họ. Do đó, hầu hết các gia đình chăm sóc trẻ nhiễm HIV đều phải giấu thông tin trẻ bị nhiễm hoặc có người thân nhiễm.

Theo bác sĩ Dương Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái: “Trước đây, chúng ta đã tuyên truyền thái quá về HIV/AIDS, đó là căn bệnh thế kỷ, là bản án tử đã khiến đa số người dân hiểu lệch lạc về căn bệnh này. Người dân thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng rồi dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử khi phát hiện ra trong lớp học của con em mình có những trẻ bị nhiễm HIV, từ đó, gây áp lực lớn đối với nhà trường nhận trẻ nhiễm HIV… Đã đến lúc, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho mỗi người dân, giúp họ hiểu đúng về căn bệnh này để đón nhận, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nhiễm HIV”.

Thực tế là cho đến nay, trên địa bàn tỉnh, cũng như cả nước chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV bởi các trẻ em khác qua tiếp xúc hay sinh hoạt bình thường mà chỉ có lây từ mẹ sang con. Trẻ nhiễm HIV, hiện nay được điều trị miễn phí bằng thuốc ARV nên các em có thể kéo dài cuộc sống thêm hàng chục năm. Phần lớn trẻ nhiễm HIV được điều trị bằng ARV tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng ức chế. Điều đó cho thấy, khả năng lây nhiễm HIV của những trẻ chơi chung với nhau là rất khó.

Đối với những trẻ bị nhiễm HIV, tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ, quan tâm từ vật chất đến tinh thần. Tuy nhiên, khi mà sự gia tăng người nhiễm, các ngành chức năng cần có những hoạt động thiết thực hơn nhằm hỗ trợ, cải thiện đời sống của trẻ. Các hoạt động phổ biến nhất cần tăng cường, đó là tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học, nơi xảy ra kỳ thị nhiều nhất đối với các em bị nhiễm HIV.

Việc tập huấn cho giáo viên và phụ huynh sẽ tăng cường kiến thức, sự đồng cảm cũng như quan tâm tới trẻ nhiễm HIV, đồng thời trang bị kiến thức đúng đắn cho mọi người. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động vui chơi, sinh hoạt nhóm, tổ chức những hoạt động ngoại khóa là cầu nối giúp các em nhiễm HIV phát triển, hoàn thiện mình, phát triển toàn diện.

Sự hiểu biết, đúng đắn về HIV/AIDS giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử chuẩn mực, nhằm tiếp thêm nghị lực để các em nhiễm HIV sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

 Thu Hiền