Chính sách đã đi vào cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:10:19 AM

YBĐT - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái, rừng đã được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt hơn. Các chủ rừng, hộ gia đình cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng (BVR), trồng rừng được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt.
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt.

Mặc dù mới được triển khai thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay có thể khẳng định, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Ngay khi triển khai, Ban chỉ đạo của tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tập trung hoàn thiện việc thống kê các đối tượng có sử dụng DVMTR, tiến hành xác định rõ ranh giới từng lưu vực của từng công trình thủy điện, nước sạch trong phạm vi nội tỉnh; rà soát hiện trạng và thống kê diện tích rừng trồng hiện có trong từng lưu vực; phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xác định, thống nhất diện tích, hiện trạng rừng trong phạm vi nội tỉnh.

Lập danh sách các chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, bảo vệ và những diện tích rừng chưa giao cho chủ quản lý cụ thể. Xây dựng Đề án giao đất, giao rừng và khoán BVR ổn định lâu dài, Đề án phân loại, thống kê đối tượng sử dụng, cung cấp DVMTR và cơ chế quản lý, chi trả DVMTR trên địa bàn. Tổng diện tích rừng thuộc lưu vực có cung ứng DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh là 213.113,8 ha (diện tích quy đổi 205.182,7 ha) với 22 chủ rừng là tổ chức, 8 chủ rừng là các hạt kiểm lâm được UBND các huyện, thị xã giao trách nhiệm quản lý rừng tổ chức giao khoán bảo vệ và trên 20 ngàn hộ gia đình cá nhân.

Trên cơ sở đó, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đều ban hành văn bản hướng dẫn các chủ rừng, UBND các huyện rà soát, xây dựng hồ sơ, kế hoạch chi trả tiền DVMTR theo quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với 100% các cơ sở sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh. Ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99 đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính để chi cho công tác BVR trong điều kiện ngân sách Nhà nước ngày càng eo hẹp, góp phần duy trì công tác BVR, giảm thiểu nguy cơ xâm hại vào rừng, hạn chế cháy rừng, nâng cao thu nhập của người dân, từng bước nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng”.

Qua 5 năm triển khai, thực hiện cho thấy, hiện nay, người dân các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh đã ý thức hơn trong việc BVR. Các chủ rừng là tổ chức đã tiến hành giao khoán rừng ổn định lâu dài cho các hộ gia đình nên đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ rừng với hộ gia đình và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, BVR. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực được chi trả tiền DVMTR không còn xảy ra.

Rõ ràng, cái được lớn nhất của chính sách chi trả DVMTR là ý thức bảo vệ và phát triển vốn rừng của người dân được nâng cao, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt trên 63%, giữ vững hệ sinh thái rừng đầu nguồn. Chi trả DVMTR góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng. Qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và BVR cho các chủ rừng, góp phần thực hiện tốt các quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Ngọc Trúc