Nhớ thương những mùa hạ cũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2016 | 3:38:06 PM

Những ngày đầu hạ nắng chan rực lửa lên phượng vĩ. Khắp nơi nơi bằng lăng nhưng nhức tím từng mảng trời bâng khuâng.

Phượng vĩ gọi hè.
Phượng vĩ gọi hè.

Những chiều dong xe từ chỗ làm về, vừa đi vừa hít thật sâu vào lồng ngực hương mùa hè có chút hanh hao, oi nồng rất riêng này và cố gắng níu giữ những nhẹ nhàng đang len lỏi trong tâm hồn. Kỷ niệm âm thầm rả rích trong lòng, cứ thế lặng dần miên man trở về với những yêu thương đong đầy của mùa hạ nhớ.

Những mùa hạ cũ bên mái tranh nghèo xơ xác cùng với cơn gió Lào hầm hập thổi nóng. Hé mặt thôi gặp gió Lào cũng đã thấy rát bỏng mặt. Vài khoảnh đất sau nhà khô không khốc, khôi đất trồi lên lạo xạo. Mẹ tận dụng trồng vài cây cà chua bi chịu hạn. Trái của nó nhỏ tưởng chừng không còn nhỏ hơn được nữa. Nhưng lại là thứ gia vị cực kì kì diệu cho bữa canh với cá mọn mẹ tát ở đồng sâu. Đã qua bao ngày tháng phôi pha, ta vẫn muốn trở về lối cũ mái nhà xưa, về để lại được một lần nữa ngồi trong nhà tránh cái nắng như thiêu như đốt và đầy ắp tiếng cười bên mâm cơm gia đình thân thương.

Những mùa hạ cũ theo đám bạn choai choai trong xóm, quần cộc đầu trần cầm sào đi bắt ve. Đôi khi săn bắt ve không hẳn bởi mê hoặc tiếng phát rè rè trong bụng của nó mà còn là sự “hơn thua” lòng tự trọng, cái tôi trong người. Lớn lên, mỗi lần nghe tiếng ve thân thương ấy lại nhớ, tội nghiệp những chú ve bé nhỏ. Khều ve chán lại tụ tập hái sung, ổi để ăn.

Những câu chuyện chắp vá tuổi ấu thơ luôn là những ký ức tinh khôi và ngọt ngào nhất. Giữa lúc thiếu thốn, tưởng chừng như cơm còn chưa ấm bụng, những đứa trẻ lại mơ ngày nào đó học thật giỏi làm ông nọ, bà kia.

Lớn lên, đọc đâu đó câu nói “Ước mơ thì không ai đánh thuế nên cứ thoải mái ước mơ” ta lại dùng dằng với những ước mơ trong suy nghĩ. Ta thèm cái sự tự tin của thời trẻ ngây ngô, nói ước mơ với một tâm thế hào hứng và đầy nhiệt huyết. Còn bây giờ, bao nhiêu lo toan cuộc sống, cơm áo gạo tiền đè nặng, biết là ước mơ không bị đánh thuế nhưng vẫn cứ dè chừng, thực dụng.

Những mùa hạ cũ, lon ton theo cha mẹ ra đồng vào mùa gặt. Những bông lúa nặng trĩu phất phơ nụ cười cha mẹ. Mồ hôi cha mẹ quyện vào lớp đất nâu mặn nồng. Mùa gặt về, cầm trên tay bát cơm lúa mới ta không khỏi nghẹn ngào nhớ về những công sức mà người nông dân lam lũ chắt chiu làm nên hạt gạo dẻo thơm. Nó chẳng đơn giản như thuở trước non nớt trong suy nghĩ là chỉ cần cắm cây lúa xuống đất, đợi nó trổ bông và thu hoạch. Những “hạt ngọc” vẫn đều đặn theo ta khi rời làng lên phố học tập. Tháng ngày gian khó ấy không làm ta nản chí mà còn thêm tự hào là người con sinh ra từ đồng ruộng, có cha mẹ là những nông dân tảo tần.

Những mùa hạ cũ, nhớ tuổi học trò tinh khôi mơ mộng năm cuối cấp. Những kỷ niệm vui buồn suốt quãng đường đi học, nhớ nôn nao khoảnh khắc bịn rịn ngày chia tay. Nhớ quyển lưu bút trao nhau, tấm áo trắng chi chít chữ ký “vàng, ngọc”. Cứ dặn lòng mình phút cuối sẽ mạnh mẽ không khóc. Vậy mà, nước mắt ướt đẫm vai bạn. Nhớ từng gương mặt thân quen trong lớp, nhớ năm tháng quậy phá của đời học sinh, cái tuổi mà lớn cũng chưa lớn nhưng nói là trẻ con cũng chẳng phải, cứ tinh nghịch quậy phá hết mình như cái tuổi ẩm ương đó.

Vẫn còn những mùa hạ rộn ràng khác trong ngăn ký ức của tôi. Qua mỗi mùa hạ, ngăn ký ức càng ăm ắp kỷ niệm. Cuộc đời vốn thăng trầm, vui, buồn xen lẫn. Tôi lớn lên cùng mùa hạ, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Ký ức mãi là hành trang để tôi tự tin bước những bước chắc chắn trên con đường mai sau…

Quyền Văn