Góp phần đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2016 | 9:40:32 AM

YBĐT- Thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020 là rất quan trọng. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Giàng A Thào khi trao đổi với phóng viên báo Yên Bái.

Học sinh ở huyện vùng cao Trạm Tấu  hiện nay được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học ngày càng được đầu tư tốt hơn.
Học sinh ở huyện vùng cao Trạm Tấu hiện nay được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học ngày càng được đầu tư tốt hơn.

P.V: Xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của huyện khi thực hiện Đề án này?

Đồng chí Giàng A Thào: Thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, huyện Trạm Tấu đã tổ chức ngay cuộc họp Ban Thường vụ; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng để quán triệt các nội dung của Đề án.

Đồng thời, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xuống xã để tổ chức các cuộc họp tại cơ sở với sự tham gia của cán bộ chủ chốt; các bí thư chi bộ, người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản, giáo viên các nhà trường để quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả khi thực hiện Đề án. Tiếp đó, huyện triển khai tới toàn thể nhân dân, phụ huynh học sinh ở các thôn, bản về Đề án này.

Quan điểm chỉ đạo của huyện là hết sức quyết liệt và bài bản. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án của huyện và các xã xây dựng đề án của xã; chờ tỉnh phê duyệt để thực hiện. Sau sáp nhập, cuối năm học 2015 - 2016, toàn huyện có 26 trường (giảm 3 trường); 339 nhóm, lớp (giảm 54 nhóm, lớp).

Trong đó, có 12 trường mầm non, 3 trường tiểu học và trung học cơ sở, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 10 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở; 27 điểm trường lẻ (giảm 70 điểm). Trước mắt, theo lộ trình của huyện thì đối với các học sinh tiểu học, sáp nhập 100% về điểm trường chính; đối với mầm non, sáp nhập 24 điểm trường lẻ (còn 27 điểm trường lẻ vào năm 2016); giảm tiếp 9 điểm trường, còn 18 điểm trường vào năm 2018 và giữ nguyên đến năm 2020.

P.V: Những thách thức cơ bản mà Trạm Tấu gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án này?

Đồng chí Giàng A Thào: Tuy huyện đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Đề án, song vẫn gặp không ít những khó khăn. Thứ nhất, ở vùng cao, các thôn bản lẻ cách trung tâm xã từ 6 - 7 km; thậm chí, có những thôn bản cách 8 - 9 km. Giao thông đi lại chủ yếu đường đất, đá nhiều đèo dốc, khiến cho phụ huynh đưa đón con em đi học trong ngày gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bậc học mầm non.

Thứ hai là, thiếu cơ sở vật chất tại điểm trường chính sau khi sáp nhập, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là tại các xã xây dựng nông thôn mới. Số lượng phòng ở bán trú và các công trình phụ trợ chưa đủ đáp ứng nhu cầu do số lượng học sinh được hưởng bán trú tăng cao. Thứ ba là, sau khi sáp nhập sẽ dôi dư một số cán bộ quản lý và giáo viên sẽ gây tâm lý lo lắng cho cán bộ, giáo viên. Qua ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và chỉ đạo của Huyện ủy, huyện sẽ bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

P.V: Thưa đồng chí, những giải pháp mà huyện sẽ triển  khai để thực hiện thành công Đề án này?

Đồng chí Giàng A Thào: Sau sáp nhập sẽ có những khó khăn do thiếu phòng học, phòng ở cho học sinh ở điểm trường bán trú. Chúng tôi đã giao cho UBND huyện, các phòng chức năng, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ nhu cầu về phòng học, phòng ở và nhà ăn cho học sinh bán trú.

Qua rà soát, huyện còn thiếu trên 40 phòng lớp học; 70 phòng ở. Huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; quyết liệt chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án; xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, chất lượng cao, đủ năng lực hội nhập quốc tế, thông qua chính sách tuyển dụng đặc thù, phát hiện đào tạo, bồi dưỡng.

Đánh giá, sắp xếp, bố trí hợp lý, từng bước thực hiện các biện pháp giải quyết số giáo viên dôi dư. Tích cực làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp.

Yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các xã phối hợp với các nhà trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp và chống học sinh bỏ học. Đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và mỗi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Thực hiện thành công Đề án này, quy mô, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện sẽ được củng cố, phát triển hợp lý; học sinh được học trong điều kiện tốt hơn; các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được tập trung, hiệu quả; cơ sở vật chất trường học được tăng cường và kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; việc quản lý, sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được thuận lợi, tiết kiệm, hiệu quả cao hơn, góp phần đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mạnh Cường (thực hiện