LĐLĐ tỉnh Yên Bái: Chuyển biến từ Nghị quyết 4a

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2016 | 2:32:39 PM

YBĐT - Trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch, có chỉ tiêu và biện pháp để triển khai Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương.

Ngày 24/6/2014, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ về nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (CĐCTTTCS), đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Với quan điểm, mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐCTTTCS, vì đoàn viên và người lao động; tập trung hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CĐCTTTCS, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để CĐCTTTCS thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động 2012, Nghị quyết đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, đi sâu vào việc kiện toàn, củng cố tổ chức CĐCTTTCS; đồng thời, thực hiện phân cấp tài chính công đoàn theo hướng tạo sự chủ động về tài chính đối với CĐCTTTCS.

Trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch, có chỉ tiêu và biện pháp để triển khai Nghị quyết phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương.

Trên cơ sở số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn hiện có, LĐLĐ tỉnh đã rà soát, sắp xếp, điều động trong nội bộ hệ thống công đoàn theo hướng ưu tiên bố trí cán bộ đối với CĐCTTTCS đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều này rất phù hợp với Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ “Nhằm từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cho cơ sở…”.

Quan tâm, động viên cán bộ được luân chuyển, phối hợp với cấp ủy địa phương cơ sở tổ chức kiện toàn kịp thời, hợp lý, tránh việc để cán bộ phải một mình đối mặt với những khó khăn trở ngại ban đầu khi về địa phương, cơ sở. Qua đó, đã động viên khuyến khích được cán bộ hăng say, nhiệt tình tâm huyết với cơ sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Từ đó, mỗi cán bộ công đoàn đã nhận thức đầy đủ, ý thức, trách nhiệm và xác định công tác luân chuyển là một nhiệm vụ của toàn hệ thống.

Từ những cơ sở lý luận được vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở, cán bộ công đoàn đã tổ chức triển khai các hoạt động khoa học, bài bản, thu hút, tập hợp rộng rãi công nhân, viên chức, lao động tham gia hoạt động công đoàn. Nhiều cán bộ đã trưởng thành, vững vàng bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, bám sát địa bàn, tạo được niềm tin đối với người lao động, đóng góp nhiều cho địa phương, ngành và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, nâng cao vị thế của cán bộ công đoàn cũng như của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã từng bước thực hiện phân cấp tài chính công đoàn theo hướng tạo sự chủ động về tài chính đối với CĐCTTTCS. Ban đầu là thí điểm, sau đó nghiên cứu tập trung vào những địa phương, cơ sở có đủ điều kiện phân cấp toàn diện.

Đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao tính chủ động của CĐCTTTCS trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, đi sâu, đi sát cơ sở của cán bộ công đoàn; tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn và hỗ trợ công tác nghiệp vụ phần mềm kế toán.

Qua đó, công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động được sát thực hơn với phương châm: tài chính công đoàn phải phục vụ tích cực, hiệu quả nhất cho đoàn viên, người lao động nhằm xây dựng, phát triển công đoàn vững mạnh, nhất là trong bối cảnh hoạt động tổ chức công đoàn ngày càng khó khăn và có nhiều thách thức như hiện nay.

Hồng Hương (LĐLĐ huyện Yên Bình)