“Trò chơi nghiệp vụ”

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2016 | 10:13:16 AM

YBĐT - Trong rất nhiều những chiến công phát hiện kịp thời và đấu tranh với nhiều tổ chức phản động, gián điệp, chúng tôi đặc biệt tâm đắc với chiến công của cán bộ, chiến sĩ Phòng Bảo vệ chính trị đã mưu trí dũng cảm dùng “Trò chơi nghiệp vụ” câu nhử địch mà Chuyên án KL46 đã được ghi trang trọng trong lịch sử Công an Yên Bái.

Lực lượng Công an Yên Bái cấp cứu nạn nhân sau các đợt ném bom của máy bay Mỹ năm 1965.
Lực lượng Công an Yên Bái cấp cứu nạn nhân sau các đợt ném bom của máy bay Mỹ năm 1965.

Hơn 20 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 29/1/1996, Chủ tịch nước quyết định phong tặng “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong rất nhiều những chiến công phát hiện kịp thời và đấu tranh với nhiều tổ chức phản động, gián điệp, chúng tôi đặc biệt tâm đắc với chiến công của cán bộ, chiến sĩ Phòng Bảo vệ chính trị đã mưu trí dũng cảm dùng “Trò chơi nghiệp vụ” câu nhử địch mà Chuyên án KL46 đã được ghi trang trọng trong lịch sử Công an Yên Bái.

Đêm 4/6/1963, máy bay địch từ hướng Đông Nam bay lên, chúng thả truyền đơn xuống xã Kim Sơn, Cam Cọn; thả xuống khu Cọ, xã Phú Nhuận, Bảo Thắng một toán biệt kích, một dù hàng, một số dù rơi lạc sang xã Võ Lao. Được quần chúng cung cấp tình hình, dưới sự chỉ huy của một số cán bộ công an của Ty và công an nhân dân vũ trang cùng với Tỉnh đội truy lùng toán gián điệp mang tên Belo, do tên Lý Văn Choi làm toán trưởng, xâm nhập vào vùng Phong Dụ, Văn Bàn, Yên Bái.

14 giờ, ngày 7/6/1963, một tổ công an nhân dân vũ trang cùng với 7 dân quân vây bắt gọi hàng, bắt xét hỏi toán gián điệp, biệt kích gồm 7 tên (có 4 người Thái quê ở Sơn La, Lai Châu). Qua đấu tranh khai thác, chúng khai: có nhiệm vụ thám sát, phá hoại mục tiêu trên đường sắt từ Trái Hút đi Bảo Hà, xây dựng cơ sở chống phá ta, thời gian hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm sẽ rút. Được sự đồng ý của Bộ, ngày 14/6/1963, Ty Công an đã lập Chuyên án lấy ký hiệu là KL46 (Ban Chuyên án gọi là K35) do đồng chí Toàn - Phó ban 61 -  Ban Chỉ đạo chính trị của Ty phụ trách.


Qua nghiên cứu cho thấy, các yếu tố giữ bí mật trong việc bắt, đấu tranh xét hỏi và đã thuyết phục được tên liên lạc và tên toán trưởng. Ngày14/6/1963, ta cho tên truyền tin (hiệu thính viên) của nhóm biệt kích báo cáo về trung tâm nhảy dù an toàn. Qua kiểm tra liên lạc, trung tâm chỉ huy của địch vui mừng thúc đẩy toán biệt kích đi vào hoạt động theo kế hoạch đã định sẵn.

Trước tình hình trên, Ban Chuyên án nhận định về khả năng giữ bí mật của việc khống chế toán biệt kích phục vụ công tác được bảo đảm, vấn đề đặt ra là tác động khéo léo làm cho trung tâm chỉ huy của địch chỉ đạo toán biệt kích hoạt động theo ý đồ tác chiến của ta. Đồng thời, Ban Chuyên án báo cáo với Bộ Công an để thông qua đó ta bàn bạc với lực lượng phòng không bố trí bắn máy bay địch khi chúng tiếp tế nhằm kết thúc Chuyên án.

Trong quá trình liên lạc, địch tiến hành kiểm tra 3 lần an ninh trước khi tiếp tế và giao nhiệm vụ cho toán biệt kích. Tháng 12/1963, địch tiếp tế 4 thùng hàng nhưng chệch hướng, ta thông báo cho trung tâm chỉ huy của địch không nhận được. Từ 21/12/1963 đến 27/1/1964, ta thông báo cho trung tâm chỉ huy của địch biết trong quá trình di chuyển, toán biệt kích đã bị chết 3 tên vì ốm đau bệnh tật, chỉ còn lại 4 tên. Ngày 15/7/1964, địch thả 6 kiện hàng tiếp tế cho bọn còn lại. Trước diễn biến của tình hình, Ban Chuyên án quyết định câu nhử địch; đồng thời, thông qua đó nắm và phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch.

Từ tháng 7/1964, sau khi liên lạc với trung tâm chỉ huy của địch, toán biệt kích đã điện báo yêu cầu viện trợ hàng để cho bọn chúng hoạt động. Ngày 13/8/1964, địch hẹn tiếp tế và bổ sung người. Đúng như dự kiến, ngày 14/1/1965, chúng thả 7 tên biệt kích cùng với 4 kiện hàng xuống Đại Sơn, Đồng Tâm, Đại Đồng. Nhiệm vụ của bọn này là liên lạc với toán trên tiến hành phá hoại 3 cầu trên tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Do nắm và điều chỉnh được tình hình nên toán biệt kích vừa mới chạm đất đã bị ta bắt sống toàn bộ. Để bảo đảm cho Chuyên án phát triển, Ban Chuyên án đã quyết định tạo tình huống phá cầu và bố trí đoàn chuyên gia Thụy Điển lên đi qua để thông qua đó bọn địch thấy có hiệu quả trong việc tiếp tế.

Ngày 1/12/1965, địch hướng dẫn cho toán biệt kích thám sát 2 cầu ở bên Trái Hút và hứa sẽ tiếp viện cho 5 tên và 5 thùng hàng nữa. Để cho Chuyên án có hiệu quả và tránh gây tổn thất cho ta, Ban Chuyên án đã quyết định điện cho trung tâm chỉ huy của địch, trong chuyến di chuyển quân và toán biệt kích đã va chạm với lực lượng vũ trang của ta, bọn chúng bị chết 1 tên, bị thương 2 tên, số còn lại chạy toán loạn không liên lạc được với nhau, chính vì vậy không thể phá được cầu mà chuyển sang phá đường sắt, phá dây thông tin vì lực lượng còn ít nên yêu cầu trung tâm hỗ trợ.

Ngày 23/8/1965, trung tâm chỉ huy của địch chỉ đạo chuyển toàn bộ số còn lại lên trên ga Trái Hút, lập đồn quan sát qua đường sắt và thuyền bè qua lại, chủ yếu là hàng quân sự do nước ngoài viện trợ đi qua đường sắt, tìm hiểu phi công Mỹ bị giam cầm trong khu vực và tìm ngoài bãi để trung tâm thả hàng và người.

Trước tình hình trên, ban đầu Chuyên án tạo tình huống không tìm được bãi thả và không tìm được phi công buộc trung tâm chỉ huy của địch phải chỉ đạo theo kế hoạch điều động của Ban Chuyên án. Ngày 25/10/1965, địch chỉ đạo cho toán biệt kích phải di chuyển lên phía Bắc để quan sát đường 13, đường 70 Yên Bái - Lào Cai và tàu bè qua sông. Trước tình hình trên, Ban Chuyên án quyết định điện cho trung tâm chỉ huy của địch biết trong quá trình di chuyển, 2 tên bị chết vì ốm đau, bệnh tật yêu cầu trung tâm chỉ huy của địch chi viện.

Một số tang vật thu được trong Chuyên án KL46 năm 1963.

Ngày 11/1/1966, địch cho 2 phi cơ thả 32 ống hàng nhỏ viện trợ cho toán biệt kích. Ngày 4/4/1966, địch thả tiếp 4 thùng hàng, trong đó có một máy truyền tin và yêu cầu toán biệt kích phải vượt sông Hồng lên Bắc Hà lập căn cứ ở đó. Ban Chuyên án đã tạo tin giả báo về trung tâm: 7 tên chết do vượt sông bị lộ, cho đến nay chỉ còn lại 5 tên. Liên tiếp trong các tháng tiếp theo, địch thả hàng viện trợ, song bị thất lạc do thả dù hàng ban đêm, địch chuyển sang thả dù hàng tiếp tế ban ngày và chỉ đạo toán biệt kích còn lại tìm căn cứ lập khu an toàn.

Ngày 22/2/1967, trung tâm chỉ huy của địch bộc lộ rõ ý định sẽ “triệt xuất” rút toán biệt kích đến địa điểm, tổ chức ám tín hiệu để bọn chúng đón. Ban Chuyên án đã chủ động ngăn chặn không cho địch rút bằng đường trực thăng và tìm cách tiêu diệt máy bay địch ra đón. Một lưới lửa phòng không bủa vây với sự tham gia của đông đảo các lực lượng dân quân, công an, bộ đội trên toàn tuyến địa bàn Kiên Thành (Trấn Yên).

Đúng 13 giờ ngày 23/12/1967, 2 máy bay trực thăng đã bay vào nhưng do bay thấp, ra-đa của ta không phát hiện được và bọn này không tìm được địa điểm ám hiệu của toán biệt kích nên quay ra. Trước tình hình đó, trung tâm chỉ huy của địch điện báo cho toán biệt kích biết tọa độ để bọn chúng ở đó, máy bay sẽ đến đón. Địch liên tiếp kiểm tra ám hiệu liên lạc. Lúc này, trên toàn miền Bắc đã kết thúc một loạt chuyên án câu nhử biệt kích và giành được thắng lợi. Bộ Công an cho kết thúc chuyên án biệt kích ở Yên Bái.

Phát huy truyền thống anh hùng, Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Yên Bái thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, xác định lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị nhiều năm liên tục được công nhận đơn vị Quyết thắng, đơn vị tiên tiến.

Nguyễn Chí Dân