Sơn tra - cây xóa nghèo ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2016 | 4:31:43 PM

YênBái - YBĐT - Đến nay, toàn huyện Trạm Tấu có trên 2.400 ha sơn tra, tập trung nhiều ở các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Làng Nhì; trong đó trên 300 ha đã cho thu hái với sản lượng 300 – 500 tấn/năm, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Những năm trước đây, cũng như nhiều hộ dân thôn, cuộc sống của gia đình anh Thào A Dua ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng 2 năm trở lại đây, nhờ 50 cây sơn tra mà anh đã có tiền mua được con trâu, xe máy và nhiều vật dụng có giá trị trong nhà.

Thôn Suối Giao có 62 hộ thì cả 62 hộ đều trồng cây sơn tra, trung bình mỗi hộ trồng trên 60 cây, trong có 40 cây đã cho thu hoạch. Nhờ cây này mà bình quân mỗi hộ hàng năm thu về trên 15 triệu đồng.

Cây sơn tra được, Đảng bộ xã Xà Hồ xác định là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, chỉ sau cây lúa. Cùng với số diện tích cây tự nhiên có từ trước, từ năm 2011 đến nay, xã Xà Hồ đã vận động nhân dân trồng thêm được trên 150ha.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, 1ha sơn tra mỗi năm thu về được 1,5 tấn. Với giá bán trên thị trường trung bình từ 15- 25 ngàn đồng/kg thì cũng mỗi ha sơn tra cũng thu về trên 30 triệu đồng/năm. Đây là một khoản thu không hề nhỏ đối với đồng bào dân tộc vùng cao Trạm Tấu.

Nhận thấy cây sơn tra ngày càng khẳng định được giá trị kinh tế, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, huyện Trạm Tấu đã tuyên truyền nhân dân các xã có thổ nhưỡng hợp với loại cây này đẩy nhanh tiến độ trồng. Đến nay, toàn huyện có trên 2.400 ha sơn tra, trong đó trên 300 ha đã cho thu hái, với sản lượng 300 – 500 tấn/năm, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Diện tích sơn tra tập trung nhiều ở các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Làng Nhì...

Quả sơn tra được đánh giá có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo, làm nước giải khát... Diện tích cây sơn tra ngày càng được mở rộng do những tác dụng hữu ích với sức khỏe và đời sống người dân vùng cao. Sơn tra đã trở thành cây đặc sản. Đến nay người dân Trạm Tấu không chỉ trồng nhỏ lẻ, manh mún mà đã trồng tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân đã biết sơ chế, chế biến sản phẩm quả sơn tra thành những mặt hàng có giá trị kinh tế như rượu sơn tra, mứt, ô mai sơn tra ... góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Là loại cây quý, giúp đồng bào xóa đói làm giàu, huyện đang tập trung rà soát số diện tích đất để trồng, đồng thời lập dự án trồng bổ sung sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới 1.500ha, trong đó ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ thiếu đất canh tác.

Nếu mục tiêu trồng mới thêm 1.500 ha thành công, đến năm 2020 toàn huyện Trạm Tấu sẽ có trên 3.100ha sơn tra, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 - 3.000 tấn quả, nâng mức thu nhập từ diện tích rừng phòng hộ có trồng cây sơn tra lên 80 triệu đồng/ha.

Cùng với cây lúa, cây ngô, cây sơn tra đang đóng góp tích cực vào cơ cấu cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao Trạm Tấu.


Văn Tuấn – Mạnh Cường