Trên đồng đất Pá Hu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2016 | 9:27:01 AM

YBĐT - A Mua vừa đi chợ huyện mua sắm ít vật dụng cho gia đình. Quay sang tôi, A Mua cười bảo: “Nhờ cái giống ngô mà cuộc sống gia đình mình đã thoát nghèo, với 3.000 m2 ruộng để cấy lúa lấy lương thực còn 2 ha ngô đồi mỗi năm gia đình mình trồng 2 vụ để phát triển chăn nuôi và bán để lấy tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình”.

Sản xuất lương thực ở vùng cao đã chuyển mạnh theo hướng tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng. (Ảnh có tinh chất minh hoạ)
Sản xuất lương thực ở vùng cao đã chuyển mạnh theo hướng tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng. (Ảnh có tinh chất minh hoạ)

Trời đất vùng cao mùa này thật lạ, đang nắng gắt bỗng đổ mưa rào. Dưới đường tỉnh lộ Nghĩa Lộ - Trạm Tấu nhìn lên trụ sở UBND xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu cheo veo trên đỉnh núi khiến ai nấy đều ái ngại. Ấy vậy mà, chỉ có hơn 15 phút đồng hồ, chúng tôi đã đến được trụ sở UBND xã bởi con đường đã được mở rộng, những chỗ cua dốc nguy hiểm, khó đi đã được bê tông hóa, khác hẳn với mấy năm trước đây. Trụ sở UBND xã hiện ra trước mắt giữa trùng điệp núi non với những bản làng trù phú vây quanh.

Đón chúng tôi bằng cái bắt tay chặt và nụ cười tươi, Chủ tịch UBND xã Giàng A Lồng phấn khởi cho biết anh vừa đi họp ở huyện về để báo cáo một số thành tựu nổi bật của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Qua câu chuyện được biết, mấy năm nay, thực hiện chủ trương của huyện Trạm Tấu về việc chuyển đổi những diện tích lúa nương sang trồng ngô đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhờ đó mà đời sống của người dân trong xã đã khá lên trông thấy.

Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, là người Mông chính gốc, người con của bản Cang Dông - bản xa xôi và khó khăn nhất của xã cũng là cán bộ trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết, Giàng A Lồng đã trải qua nhiều cương vị từ Chủ tịch Hội Nông dân xã đến Phó Chủ tịch, rồi đến Chủ tịch UBND xã, bởi thế anh hiểu được cuộc sống của đồng bào người Mông nơi đây thế nào.

Rót chén trà nóng mời khách, Chủ tịch UBND xã Giàng A Lồng tâm sự: “Trước đây Pá Hu nghèo lắm, cả xã có 5 thôn bản thì tất cả 5 thôn đều khó khăn từ đường đi lối lại, có những thôn bản cách trung tâm xã tới gần 20 km, hầu hết là đường rừng, chủ yếu là đi bộ chứ chưa thể có phương tiện nào đi được. Không đường, không điện, không thông tin liên lạc, cũng không có trường học nên cuộc sống của người dân trong xã đều khó khăn”.

Diện tích đất canh tác nhiều song chủ yếu là sản xuất được một vụ, vụ còn lại trồng lúa nương hoặc bỏ không, năng suất thấp bởi vậy mà năm nào cả xã cũng có tới trên 80% số hộ dân đói giáp hạt, đứt bữa. Cùng với đó là tình trạng sinh con thứ ba, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều, tục thách cưới cao có từ bao đời nay, nhà gái thách cưới nhà trai “tiền sính lễ” từ 18 - 20 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn. Tục làm “ma khô”, người chết không cho vào quan tài mà treo giữa nhà để 3 - 4 ngày cho con cái bón cơm rồi mới đem đi chôn. Không những vậy, trong đám cưới, đám tang, tình trạng ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày làm cho cuộc sống của người dân vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Với trọng trách của một cán bộ đứng đầu xã, trong suy nghĩ của anh cũng như quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã là phải làm sao để dân “yên” cái bụng và “sáng” cái đầu. Bởi vậy, việc trước tiên là phải xây dựng hương ước, quy ước làng bản, vận động nhân dân không tảo hôn, không sinh nhiều con, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, rồi đến việc trồng cây gì, nuôi con gì sao cho hiệu quả nhất luôn là vấn đề nóng bỏng được đề cập trong các cuộc họp quan trọng của xã. Song trồng cây gì, nuôi con gì sao cho hiệu quả khi mà lúa, ngô vẫn là loại cây trồng chủ lực của địa phương? Có chủ trương của huyện Trạm Tấu về việc chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô, sau khi bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chính quyền địa phương và khảo sát thực tế, thôn Pá Hu được chọn để triển khai thí điểm mô hình chuyển lúa nương sang trồng ngô, bởi đây là thôn có diện tích lúa nương lớn nhất xã, cũng là thôn có tỷ lệ hộ đói giáp hạt cao, sau nhiều năm canh tác lúa nương khiến đất bạc màu, năng suất thấp. Vậy là đầu năm 2013, với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, sự trợ giúp phân bón, giống của Nhà nước, 18,8 ha ngô đồi đã được triển khai thí điểm với 40 hộ dân được lựa chọn để tham gia. Ngày trồng ngô ở thôn Pá Hu náo nức như ngày hội, ngoài cán bộ huyện, xã, thôn bản, Huyện Đoàn còn huy động gần 600 đoàn viên thanh niên kết hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã để giúp 40 hộ dân trồng ngô. Trong 2 ngày, toàn bộ diện tích ngô đã được gieo trồng xong trong niềm vui mừng khôn xiết của người dân. Cây ngô trồng xuống gặp thời tiết thuận lợi đã nảy mầm và cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn lúa nương.

Từ thành công này, mô hình ngô đồi đã được triển khai rộng ra các thôn bản khác, tạo ra một “cuộc cách mạng lớn” với sự thành công trong việc chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi cho xã. Trong năm 2013, các chỉ tiêu quan trọng xã đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra như chỉ tiêu về lúa, ngô đều đạt 100% cả về diện tích và sản lượng. Từ những kết quả đã đạt được, tập thể UBND xã Pá Hu đã được Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu tặng Giấy khen vì “Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2013”.

Nhiều hộ dân ở Pá Hu đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình với các mô hình chăn nuôi gia súc cho hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ của tỉnh, của Chính phủ đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay đã giúp Pá Hu bứt phá đi lên. Đường đã được mở, điện sáng đã về tới các bản làng, trường học cũng về tới tận các thôn bản. Giờ đây không phải khó khăn vận động, người dân đã biết được giá trị kinh tế của cây ngô đồi mà đồng lòng làm theo, nhà ít cũng có vài trăm mét vuông, nhà nhiều có tới vài ba héc-ta, mỗi năm hai vụ cũng mang lại nguồn thu khá cho các gia đình. Giờ đây cả xã đã có tới 364 ha ngô xuân, 130 ha ngô hè thu, năng suất ngô vụ xuân đạt 25,5 tạ/ ha, vụ hè thu đạt gần 21 tạ/ ha, không chỉ góp phần ổn định an ninh lương thực mà còn thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi của xã mạnh mẽ hơn.

Con đường sống trâu, lởm chởm đá dẫn vào thôn Háng Gàng ngày nào cũng đã được rộng mở. Chúng tôi gặp Thào A Mua đang lỉnh kỉnh hàng hóa trên xe máy. A Mua cho biết vừa đi chợ huyện mua sắm ít vật dụng cho gia đình. Quay sang tôi, A Mua cười bảo: “Nhờ cái giống ngô mà cuộc sống gia đình mình đã thoát nghèo, với 3.000 m2 ruộng để cấy lúa lấy lương thực còn 2 ha ngô đồi mỗi năm gia đình mình trồng 2 vụ để phát triển chăn nuôi và bán để lấy tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình”. Dự định cuối năm nay, khi thu thêm vụ ngô hè thu, A Mua sẽ đầu tư nuôi thêm dê và lợn để năm tới làm lại căn nhà mới khang trang hơn. Với Thào A Lâu, thôn Tà Tàu cũng vậy. Từ khi đường mở, cây ngô đồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ vậy mà hơn 2 ha ngô đồi của A Lâu đã giúp gia đình anh cất lại được ngôi nhà mới và mua được 4 con bò, 6 con dê về nuôi. Có lương thực, hầu như nhà nào cũng chăn nuôi, nhà nhiều có tới vài chục con trâu, bò như Thào A Tông, Sùng Tráng Thào ở thôn Km 16, Mùa Chờ Chử ở bản Háng Gàng, Thào A Súa ở bản Tà Tàu...

Bằng việc xác định đúng hướng đi và sự đầu tư, cùng với đó là việc nâng cao dân trí nên việc xóa nghèo tưởng như không thể trên vùng đất nghèo Pá Hu nay đã thành hiện thực. Qua đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của xã, đa số các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch; trong đó một số chỉ tiêu đạt khá như: diện tích gieo trồng lương thực có hạt toàn xã đã tăng lên trên 695 ha, trong đó diện tích lúa xuân 90 ha, lúa mùa 91,2 ha, ngô xuân 364 ha, ngô hè thu 130 ha...; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 64,53%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.000 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt trên 964 kg/người/năm; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với năm 2014. Trong năm 2015, xã đã triển khai 1 mô hình trồng thử nghiệm giống ngô NK 67 tại thôn Cang Dông với diện tích 0,5 ha và mô hình nuôi lợn tại thôn Tà Tàu, qua đánh giá các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình.

Tạm biệt Pá Hu, đi trên con đường uốn lượn vắt ngang đỉnh núi bên những bản làng trù phú mà lòng tôi thấy lâng lâng một cảm xúc lạ thường. Xa xa phía chân đồi, những gia đình người Mông đang tất bật chăm sóc những diện tích ngô hè thu, tiếng cười nói, tiếng trẻ nhỏ học chữ vang khắp bản làng. Pá Hu đã có sự chuyển mình rõ rệt bằng những đồi ngô, đồi lúa xanh tốt. Thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của những người “đứng mũi chịu sào”, dám nghĩ dám làm như Giàng A Lồng.

Thanh Tân