Trạm Tấu tích cực chăm sóc lúa mùa

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/8/2016 | 8:10:35 AM

YBĐT - Tháng 8, tháng cao điểm của những đợt mưa dông kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng cao. Song nhờ chủ động, tích cực chỉ đạo bà con nông dân từ khâu thu hoạch lúa đông xuân đến việc gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ, chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh nên đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện Trạm Tấu sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, hứa hẹn một vụ mùa năng suất cao.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng thôn Kháo Chu, xã Bản Công, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trạm Tấu phấn khởi cho biết: “Lúc gieo cấy thấy tình hình thời tiết khó khăn tưởng sẽ không thành công vậy nên chúng tôi quyết tâm chỉ đạo cán bộ Phòng NN&PTNT, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với chính quyền xã thực hiện nghiêm túc khung thời vụ, chủ động dẫn nước bảo đảm cho lúa không bị hạn, cùng với đó chú trọng đến khâu làm cỏ, chăm sóc bón thúc để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Mặc dù không phải là cánh đồng đẹp song đến thời điểm này, lúa phát triển tương đối tốt, không kém gì các xã khác”.

Đồng chí Hoàng Minh Thuật - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết thêm: “Đang bước vào thời điểm giao mùa nên một số diện tích nhỏ xuất hiện ngộ độc hữu cơ, xã đã kịp thời chỉ đạo nhân dân khắc phục nên đến nay toàn bộ 140 ha lúa mùa đều sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện lúa đang chuẩn bị đứng cái nên xã chỉ đạo nhân dân làm cỏ đợt 2, bón thúc phân NPK để lúa chắc cây”.

Đang kiểm tra thửa ruộng của gia đình trên cánh đồng thôn Kháo Chu, ông Phàng A Vay cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy trên 7.000 m2 ruộng, chủ yếu là giống lúa lai Nhị ưu 838 và Việt Lai 20. Hiện lúa đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng nên tôi bón bổ sung thêm đạm, NPK giúp cây lúa phát triển tốt và cứng cây hơn”.

Ông Giàng A Thào, thôn Bản Công cho biết: “Nhà tôi có 7.000 m2 ruộng, mỗi năm gieo cấy 2 vụ, bình quân mỗi vụ cũng thu được gần 3 tấn thóc, một phần để dùng sinh hoạt và chăn nuôi, phần còn lại bán cũng có thêm thu nhập cho gia đình”.

Được đánh giá là địa phương có diện tích lúa gieo cấy 2 vụ nhiều nhất nhì của huyện, cũng là xã có trình độ canh tác lúa nước tương đối tốt, vụ mùa năm nay, xã Hát Lừu gieo cấy 235 ha lúa, chủ yếu là giống Nhị ưu 838, DS1, Việt Lai 20 và một số giống nếp địa phương. Nhờ tích cực chỉ đạo nhân dân trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa nên đến thời điểm này, người dân trong xã đã kết thúc đợt làm cỏ lần 2 để bón thúc cho lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng.

Đồng chí Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: “Vụ mùa bao giờ cũng là vụ nhiều sâu bệnh nhất, bởi vậy ngay khi gieo cấy xong, xã đã chỉ đạo nhân dân tích cực thăm đồng, nếu có dấu hiệu sâu bệnh phải kịp thời phun thuốc ngay, tránh để phát sinh ra diện rộng. Qua kiểm tra thấy xuất hiện một số diện tích bị ngộ độc hữu cơ, sâu cuốn lá và bạc lá với diện tích nhỏ, địa phương đã chỉ đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục theo đúng hướng dẫn của Phòng NN&PTNT, Trạm BVTV huyện, nhờ vậy tình hình đã được kiểm soát”.

Vụ mùa năm 2016, huyện Trạm Tấu gieo cấy 1.500 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa Nhị ưu 838, Việt Lai 20, DS1, DS3 và một phần giống lúa nếp của địa phương. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, đến thời điểm này, lúa trà 1 đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh - đứng cái, trà 2 đang trong giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.

Tuy nhiên, trên diện tích lúa trà sớm ở một số xã: Hát Lừu, Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù xuất hiện ngộ độc hữu cơ, bệnh bạc lá và sâu cuốn lá nhỏ hại nhẹ. Để bảo đảm lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các phòng, ban liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại lúa cho nông dân.

Đối với diện tích lúa trà sớm bị ngộ độc hữu cơ khoảng 5 ha chỉ đạo nhân dân rút cạn nước phơi ruộng đến khi ruộng nẻ chân chim, vài ngày sau tháo nước vào, đồng thời bón tro, phân chuồng hoai mục đã được ủ với lân, tạm ngừng bón phân, đặc biệt là phân bón qua lá, phân đạm, đến khi lúa có rễ trắng mới bón đạm u-rê. Những diện tích lúa nhiễm bệnh sâu cuốn lá nhỏ, khi phát hiện trên ruộng có mật độ trên 10 con/ m2 cần sử dụng một số loại thuốc như: Clever 150SC, Sairifos 585EC… Với bệnh nghẹn rễ sinh lý đã chỉ đạo nhân dân làm cỏ sục bùn, tháo cạn nước kết hợp với bón bổ sung phân lân…

Nhờ đó, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện Trạm Tấu sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh, không có diện tích ruộng bị khô hạn. Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, bạc lá... Vì vậy, các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp huyện Trạm Tấu cần tập trung chỉ đạo nông dân tránh chủ quan, tích cực thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo đảm lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Tân