Hội Phụ nữ xã La Pán Tẩn: Năng động làm kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2016 | 12:16:05 PM

YBĐT - Hội Phụ nữ xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải có trên 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Giờ xã có 65 hộ hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi có mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ năm trở lên, trên 50 chị em tham gia làm du lịch.

Chị Lý Thị Chơ (bên trái) giúp khách du lịch mặc trang phục truyền thống của người dân tộc Mông.
Chị Lý Thị Chơ (bên trái) giúp khách du lịch mặc trang phục truyền thống của người dân tộc Mông.

Gia đình chị Lý Thị Sua ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn là một trong những hộ hội viên có kinh tế khá nhất, nhì xã. Hiện gia đình chị có 3 con trâu, 20 con lợn, gần 4 ha sơn tra, 4 ha thảo quả, thu gần 1 tấn thóc/ năm, 2 tấn ngô/ năm, tổng thu mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng.

Chị Sua chia sẻ: “Mình được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt và xem ti vi biết rất nhiều mô hình phát triển kinh tế. Năm 2010, mình vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi lợn nái. Có tích lũy, mình mua trâu”. Năm 2011, sơn tra bắt đầu được giá. Gia đình chị trồng mở rộng thêm. Đến nay, gia đình chị có 3 ha sơn tra cho thu hoạch, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/ năm.

Ngoài ra, gia đình chị cũng trồng 4 ha thảo quả, những năm được giá, thu từ 70 - 80 triệu đồng. Gia đình chị Sua còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em trong xã với mức khoán 130 nghìn đồng/ ngày công.

Ở La Pán Tẩn giờ có 65 hộ hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi có mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ năm trở lên, trên 50 chị em tham gia làm du lịch, 67 hộ hội viên đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Các hoạt động phát triển kinh tế gia đình đã được Hội động viên, khuyến khích kịp thời. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016, nhiều chị em nhanh nhạy trong việc phát huy tiềm năng du lịch của xã, tích cực tham gia chuẩn bị phục vụ du khách, trong đó: 13 hộ hội viên tham gia nấu rượu thóc, trên 40 hội viên chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông cho khách thuê chụp ảnh.

Chị Lý Thị Chơ ở bản Trống Tông cho biết: “Tôi cùng các chị em trong xã đã tự tay thêu những bộ váy, áo người Mông cho khách thuê với giá 30.000 - 50.000 đồng/ bộ. Mình còn luộc thêm ngô nếp của gia đình mang lên đây bán cho du khách. Mỗi ngày cũng thu khoảng 200 nghìn đồng. Sau mùa du lịch, mình cũng tích lũy một khoản kha khá”. 

Chị Thào Thị Dở - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Để giúp các chị em phát triển kinh tế. Hội đã bám sát nhiệm vụ, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn; tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp tới hội viên; phân công cán bộ Hội thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc tại các chi hội để cùng tháo gỡ. Trong đó, chúng tôi tập trung vận động hội viên canh tác hết điện tích 95 ha đất lúa, trên 223 ha đất trồng ngô, chăm sóc tốt đàn vật nuôi”.

Minh Huyền