Người mạnh dạn đưa mây, tre đan truyền thống vào sản xuất ở thị xã Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 6:59:54 AM

YBĐT - Mục đích chính làm ngành hàng này trước mắt là phát triển kinh tế gia đình, sau là để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Bà con dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ sản xuất các sản phẩm mây, tre đan truyền thống.
Bà con dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ sản xuất các sản phẩm mây, tre đan truyền thống.

Xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu sản phẩm mây, tre đan sang châu Âu, anh Nguyễn Văn Thương, tổ 12, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để mở xưởng sản xuất mây, tre đan truyền thống, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới mang lại thu nhập cho nông dân.

Bà Đinh Thị Muồn ở thôn Bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn được hàng xóm giới thiệu đã tìm đến xưởng sản xuất mây, tre đan của anh Thương để xin học việc. Bà Muồn nhanh chóng được chủ cơ sở giao nguyên liệu và hướng dẫn cách ghép những cành bèo lục bình và chỉ trong gần một ngày, bà Muồn đã hoàn thiện sản phẩm đĩa bèo đầu tiên của mình.

Bà Muồn cho biết: "Đến xưởng của anh Thương học đan lát, thấy công việc này không khó như mình nghĩ. Chỉ cần học khoảng một ngày là biết việc và tự tay mình làm được sản phẩm. Các chị em đến học nghề này rất nhiều, mọi người cũng vui vẻ chỉ việc cho nhau".

Bà Muồn chỉ là một trong số gần 100 học viên mới bắt đầu công việc tại xưởng. Mỗi ngày, xưởng sản xuất mây, tre đan của anh Thương tiếp nhận khoảng 20 lao động từ thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn đến xin học nghề và chỉ cần học từ 1 - 2 ngày là có thể tự tay làm ra những sản phẩm mây, tre đan truyền thống đẹp mắt, đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm và mang về thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hoàng Thị Hà ở thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho hay: "Tôi đã làm việc ở đây được hơn 2 tháng. Công việc này rất phù hợp với tôi, thu nhập ổn định, tranh thủ được lúc nông nhàn để có nguồn trang trải cuộc sống hàng ngày".

Xưởng sản xuất mây, tre đan truyền thống của anh Nguyễn Văn Thương đi vào hoạt động từ tháng 4/2016. Hiện tại, có hơn 300 lao động chính và gần 100 người học việc. Xưởng chuyên nhận làm các sản phẩm mây, tre đan theo mẫu và đơn đặt hàng với số lượng lớn.

Lao động chỉ cần đến xưởng nhận nguyên liệu và mang về nhà tự làm. Sau khi hoàn thành sản phẩm thì đem đến giao nộp cho xưởng và nhận tiền công theo sản phẩm. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất ra hàng trăm sản phẩm các loại như: đĩa bèo, lọ hoa, bình, giỏ… được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên như: cói Thanh Hóa, bèo lục bình Hải Phòng, mây Thái Bình.

Khi được hỏi về lý do chọn nghề sản xuất mây, tre đan truyền thống, anh Nguyễn Văn Thương bày tỏ: "Trước đây tôi đã từng làm mộc, nhưng rồi đã tính toán và quyết định chuyển sang làm nghề mây, tre đan truyền thống vì nguồn nhân lực ở đây dồi dào".

"Mục đích chính làm ngành hàng này trước mắt là phát triển kinh tế gia đình, sau là để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhiều người đến cơ sở của tôi xin học việc và được tiếp nhận ngay, vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mây, tre đan này trong nước rất lớn, chưa kể được xuất sang các nước châu Âu" - Anh Thương cho biết.

Với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Nghĩa Lộ, hàng tháng xưởng sản xuất mây, tre đan truyền thống của anh Nguyễn Văn Thương làm được từ 4.000 - 5.000 sản phẩm, thu về khoảng 400 triệu đồng chưa trừ chi phí nguyên liệu.

Đầu ra của sản phẩm được thu mua ổn định ở các công ty mây tre đan trong nước, sau đó tiếp tục được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Vì vậy, anh Thương mong muốn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay để có thể tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nguyễn Thư (Đài TT- TH Nghĩa Lộ)