Yên Bái bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2016 | 8:07:11 AM

YBĐT -Với 712 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có 83 di tích văn hóa được xếp hạng với 13 di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh, Yên Bái còn là một vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 30 dân tộc anh em.

Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Vần xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được phục dựng và đón khách đến tham quan.
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Vần xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được phục dựng và đón khách đến tham quan.

Với hệ thống quần thể di tích đậm đặc, gồm 712 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có 83 di tích văn hóa được xếp hạng với 13 di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh, không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại, Yên Bái còn là một vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 30 dân tộc anh em, toàn tỉnh có 714 DSVH phi vật thể với 2 DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia đó là: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao và Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ.

Ngoài ra, Yên Bái còn có nhiều vốn văn hóa dân gian lưu truyền trong nhân dân như: dân ca, dân vũ và nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng có rất nhiều thể loại (hát then, thổi sáo mũi Cúc Kẹ, hát dân ca của dân tộc Xa Phó hay múa khèn, hát giao duyên của người Mông…).

Cùng với đó là nhiều truyền thuyết, ca dao và vè của từng dân tộc đã nói lên bản lĩnh, nét văn hóa độc đáo của người dân Yên Bái. Trên địa bàn tỉnh cũng có 20 điểm lễ hội văn hoá dân gian truyền thống các dân tộc và các lễ hội diễn ra ở các di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Lễ hội đền Đại Cại, ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; Lễ hội đền Thác Bà ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; Lễ hội đền Đông Cuông, ngày Mão đầu năm tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên…

Với một số lượng đồ sộ về di sản như vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di sản quả thực không phải dễ dàng. Trong những năm qua, công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm huy động được nhiều nguồn lực từ trung ương, địa phương và từ cộng đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội trọng điểm.

Năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc Sở tiến hành bảo tồn 5 DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong tỉnh như: Lễ cầu mùa dân tộc Dao đỏ (xã Khai Trung, huyện Lục Yên); Lễ hội đền Nhược Sơn (xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên); Lễ hội Thác Bà (thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình); Lễ cúng rừng dân tộc Mông (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên); nghệ thuật trình diễn, làm sáo mũi Cúc Kẹ và hát dân ca của dân tộc Xa Phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên) với tổng kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước.

Trong năm, các di tích lịch sử như chùa Tùng Lâm (Ngọc Am), chùa Minh Pháp (chùa Rối), thành phố Yên Bái; đình làng Xây (huyện Trấn Yên); đền Phúc Linh (huyện Văn Yên) cũng được tu bổ từ nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng…

Những kết quả đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cả vật thể và phi vật thể là rất to lớn, góp phần “cứu vãn” được nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị thất truyền, quên lãng. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và các địa phương.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn nhiều khó khăn. Ông Phùng Thế Hoàng - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Là tỉnh miền núi, xuất phát điểm và các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào. Sự bất đồng ngôn ngữ, những người am hiểu về phong tục tập quán xưa đều cao tuổi, vẫn còn yếu tố kiêng kỵ ở một số tập tục nên khó tiếp cận, một số xã vùng cao chưa nhận thức đúng về công tác tổng kiểm kê DSVH phi vật thể … gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các DSVH phi vật thể mai một theo thời gian do các nghệ nhân am hiểu ngày càng ít, nếu không phục hồi khẩn cấp, di sản sẽ biến mất. Ngoài ra, chương trình mục tiêu quốc gia dừng từ năm 2015 gây khó khăn cho công tác bảo tồn tại các địa phương. Cán bộ chuyên môn còn thiếu...”.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong tỉnh được bền vững, lan tỏa, thiết nghĩ ngành văn hóa cần sớm xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của tỉnh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tham gia vào công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Cần đưa di sản gần hơn với đời sống của người dân, để mọi người hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản từ đó ý thức bảo vệ di sản sẽ được nâng cao.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Hiền