Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2016 | 7:11:03 AM

YBĐT - Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hàng trăm bệnh nhân mắc phải, trong đó có những trường hợp đã tử vong.

Số vụ ngộ độc thực phẩm tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi cuộc sống, tập tục sinh hoạt còn nhiều lạc hậu, một số trường hợp xảy ra tại những nơi sinh hoạt bếp ăn tập thể không được kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm kỹ lưỡng.

Mới đây, liên tiếp trong vòng 4 ngày (từ ngày 14 - 18/11/2016), trên địa bàn huyện Văn Yên đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 86 người bị ngộ độc. Rất may, do được cứu chữa kịp thời nên cả 2 vụ ngộ độc kể trên đều không có người tử vong. Những vụ việc đó đang là những hồi chuông báo động về vấn nạn “thực phẩm bẩn” đang từng ngày, từng giờ đe dọa sự an toàn của mỗi người và ổn định của xã hội. Giới chuyên môn định nghĩa ngộ độc thực phẩm là “hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc”.

Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm rất rõ ràng thông qua các triệu chứng ở dạ dày, ruột (nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, sốt...) hoặc những triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm như: trong quá trình sản xuất, nuôi, trồng, thu hoạch, chế biến, tàng trữ, vận chuyển hoặc chuẩn bị thực phẩm không tuân thủ quy trình an toàn; ô nhiễm, chuyển giao sinh vật gây hại từ một loại thực phẩm khác; thực phẩm không được nấu chín, vi khuẩn, sinh vật gây hại không bị phá hủy trước khi ăn...

Cũng theo đánh giá của giới chuyên môn, ngộ độc thực phẩm nếu không được xử lý kịp thời sẽ rất dễ gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm. Tiếp đó, người dân cũng cần phải nắm rõ cách sơ cứu đối với những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tại gia đình và tại các cơ sở y tế.

Tại cơ sở y tế, nếu có điều kiện thì tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chất độc, sau đó nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt tính 1g/kg cân nặng đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy sau 3 - 4 giờ), tiếp đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt tính qua đường tiêu hóa... Sau khi cấp cứu tại chỗ, cần chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị chuyên khoa...

Thực phẩm sạch luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe con người, sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn, không rõ nguồn gốc đều có thể dẫn tới bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người trong xã hội. Hãy cùng chung tay bảo vệ sức khoẻ của chính mình bằng cách “nói không với thực phẩm bẩn”!

Thiên Cầm