Hiệu quả cải tạo giống bò ở Xuân Tầm

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 8:13:59 AM

YBĐT - Nhận thức rõ về chủ trương phát triển chăn nuôi của huyện, của xã lồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ông Hoàn đã xây dựng mô hình cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo tại Xuân Tầm.

Con bê lai Zê - bu của gia đình ông Bàn Thanh Quảng là con bê đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở xã Xuân Tầm.
Con bê lai Zê - bu của gia đình ông Bàn Thanh Quảng là con bê đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở xã Xuân Tầm.

Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên cho biết: “Hiện nay, xã Xuân Tầm có hơn 800 con trâu, còn bò thì chỉ có 25 con. Trong những năm tới, xã sẽ tập trung quan tâm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cơ cấu giống vật nuôi đồng thời cải tạo giống bò theo hướng hiệu quả”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàn - khuyến nông viên cơ sở phụ trách xã Xuân Tầm cho biết thêm, người dân địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chưa quan tâm nhiều tới phát triển chăn nuôi bò bởi cho rằng nuôi bò khó hơn nuôi trâu. Thực tế là với việc nuôi bò thả rông hiện nay của các hộ gia đình nơi vùng đặc biệt khó khăn này thì đúng là như vậy.

Nguyên nhân do khi nuôi thả rông, con bò hay phá hoa màu hơn trâu và bò cũng hay bỏ đi hơn trâu, nhất là trong thời kỳ động dục.

Tuy nhiên, nếu thực hiện nuôi nhốt thì nuôi bò lại nhàn hơn nuôi trâu vì lượng thức ăn mỗi ngày của bò ít hơn trâu đáng kể. Nhận thức rõ về chủ trương phát triển chăn nuôi của huyện, của xã lồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ông Hoàn đã xây dựng mô hình cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo tại Xuân Tầm.

Việc lựa chọn mô hình này dựa trên cơ sở hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò của địa phương chưa cao do tầm vóc giống bò nhỏ bé. Vì vậy, vấn đề cải tạo giống bò khi được quan tâm thực hiện tốt thì mới có thể nâng cao được chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế lâu dài.

Người dân thôn 2 nuôi bò nhiều nhất xã Xuân Tầm với 20 con, trong đó riêng gia đình ông Bàn Thanh Quảng nuôi 6 con. Ông Hoàn đã chọn gia đình ông Quảng là hộ đầu tiên trên địa bàn xã để tuyên truyền, vận động và áp dụng phương pháp truyền tinh nhân tạo nhằm mục đích cải tạo giống bò địa phương thông qua lai tạo với giống bò đực Zê - bu từ tháng 5 năm 2015.

May mắn thực hiện một lần đã thành công, đến nay, con bê lai Zê - bu đã được 7 tháng tuổi, nặng cỡ 70 kg, sinh trưởng và phát triển tốt dù gia đình chưa có chế độ chăm sóc đặc biệt. So với những con bê giống địa phương cùng lứa, con bê lai Zê - bu này phát triển mạnh từ tháng thứ ba và tăng trọng hơn từ 10% đến 15%.

Hiện tại, tất cả 7 hộ nuôi bò ở Xuân Tầm đều thả rông chứ không nuôi nhốt nên cũng còn không ít khó khăn. Nếu như người dân thực sự quan tâm hơn về quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày thì chắc chắn chất lượng đàn bò sẽ còn được cải thiện rõ nét hơn.

Hộ thứ hai mà ông Hoàn đã tiến hành thụ tinh nhân tạo cho bò thành công là gia đình ông Bàn Hữu Vượng ở thôn Khe Lép 2. Hiện con bò này đã có thai được hai tháng, sức khỏe của bò mẹ ổn định. Hộ thứ ba là gia đình ông Hoàng Văn Định ở thôn Khe Chung 3 đang theo dõi kết quả sau lần thụ tinh nhân tạo đầu tiên cho con bò trong thời gian vừa qua.

Những nỗ lực của bản thân dành cho công việc, ông Hoàn không chia sẻ nhiều nhưng kết quả có được lại là hết sức thiết thực mà người dân trên địa bàn xã đã, đang và sẽ thấy rõ. “Khó khăn trong thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cũng còn nhiều nên tôi cũng sẽ phải cố gắng hơn nữa” - ông Hoàn khẳng định.

Tất cả bò hiện có của Xuân Tầm đều thả rông nên nhát, khó thực hiện thụ tinh nhân tạo và phải làm gióng để cố định con bò, tránh chạy. Thời gian thụ thai của bò ngắn, cần phải theo dõi để tiến hành kịp thời nếu không sẽ kém hiệu quả, phải thực hiện nhiều lần, chưa kể đường đi lại xa xôi và khó khăn.

Sau khi thụ tinh xong, người dân cũng chưa quan tâm theo dõi nên dễ để quá thời gian một đợt nếu như bò chưa thụ tinh thành công từ lần trước. Khi bò đã mang thai, việc chăm sóc chưa bảo đảm theo yêu cầu như để bò vận động quá nhiều, chế độ thức ăn còn kém... dẫn đến chất lượng thai chưa tốt. Khi bê con sinh ra, thời gian tách mẹ chưa bảo đảm theo đúng kỹ thuật do người dân chưa thực hiện đúng hướng dẫn, cứ để tự nhiên cho bê thôi bú mẹ.

Một yếu tố dẫn tới giảm giá trị kinh tế của bò là người dân thường bán bò khi ở độ tuổi 7 - 12 tháng, trong khi nếu bán thịt thì độ tuổi 12 - 24 tháng thì hiệu quả cao hơn rất nhiều. Đặc biệt là người dân chưa thật sự quan tâm đến việc cải tạo giống và chưa chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Dù thực tế có không ít khó khăn, nhưng kết quả đạt được bước đầu thời gian qua chính là động lực giúp ông Hoàn tiếp tục công việc. Điều này không chỉ để anh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà còn góp phần thay đổi cơ cấu giống vật nuôi cũng như cải tạo giống bò theo hướng tích cực, hiệu quả đối với xã Xuân Tầm đặc biệt khó khăn.

Hồng Duyên