Phòng Tư pháp huyện Yên Bình: Tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 8:15:09 AM

YBĐT - Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, thị trấn cũng đảm đương tới gần 20 đầu việc được giao như công tác hộ tịch gồm: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, khai tử, nhận con nuôi....

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Yên Bình cải chính hộ tịch cho người dân.
Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Yên Bình cải chính hộ tịch cho người dân.

Để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở cơ sở, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện Yên Bình đã chủ động tham mưu giúp UBND huyện kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL trên địa bàn huyện; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải viên; kiểm tra việc xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các nhà trường…

Nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các quy định pháp luật về phòng chống mại dâm, vệ sinh an toàn thực phẩm… tại các xã Xuân Long, Phúc Ninh, Ngọc Chấn, Tích Cốc, Yên Thành, Tân Nguyên… cho gần 1.000 lượt người tham gia.

Đồng chí Đào Duy Thái - Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: “Khối lượng công việc của Phòng là rất lớn, từ việc tham mưu giúp UBND huyện ban hành kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, chỉ tính riêng cấp huyện năm 2016 là 5.133 văn bản và cấp xã, thị trấn 7.040 văn bản. Cán bộ của Phòng còn thường xuyên xuống cơ sở, chỉ đạo công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua hệ thống phát thanh, tuyên truyền miệng, băng-rôn, khẩu hiệu… giúp cán bộ tư pháp cấp xã công tác hành chính tư pháp, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân”.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp ở các xã, thị trấn của huyện cơ bản được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, thị trấn cũng đảm đương tới gần 20 đầu việc được giao như công tác hộ tịch gồm: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, khai tử, nhận con nuôi, nhận cha, mẹ, con, thay đổi họ, tên, chữ đệm dưới 14 tuổi, cải chính ngày, tháng, năm sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân…, trung bình gần 6.000 việc/năm. Công tác chứng thực gồm: chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực hợp đồng giao dịch, chứng thực chữ ký… lên đến gần 50.000 việc/năm.

Qua hoạt động hộ tịch và chứng thực, một vấn đề nổi lên của huyện thời gian gần đây là tình trạng tảo hôn trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Năm 2015, toàn huyện chỉ có 2 trường hợp tảo hôn, năm 2016 tăng lên 43 trường hợp. Trong đó, chiếm trên 95% là nữ có độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi. Xã có nhiều đối tượng tảo hôn là: Tân Nguyên 18 trường hợp, Đại Đồng 6 trường hợp, Phúc An 6 trường hợp…

Trước tình trạng trên, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các xã tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác, thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Yên Bình tiếp tục đa dạng hóa công tác truyên truyền, PBGDPL ở cơ sở, đặc biệt là các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chặt chẽ việc đăng ký và quản lý hộ tịch và chứng thực thuộc thẩm quyền; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động; đẩy mạnh hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở…, góp phần nâng cao trình độ dân trí về mọi mặt cho người dân, để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thái Hưng