Đình làng Khe Liền - di tích kháng chiến

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2016 | 8:21:32 AM

YBĐT - Ở làng Khe Liền, các địa danh: Khe Phắc Nam, Khe Đồng Lở, Khe Cái và đình Khe Liền, cùng với các làng: Đồng Mè, Lường, Thanh Bồng của xã Đại Lịch gắn liền với cơ quan lãnh đạo huyện Văn Chấn thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ tháng 10/1947 đến tháng 10/1949.

Theo nhiều tư liệu lịch sử của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn, ngày 2/10/1947, thực dân Pháp từ Sơn La, theo đường Phù Yên ồ ạt đánh sang Yên Bái. Chỉ trong nửa tháng 10, toàn bộ thị trấn Nghĩa Lộ và các xã vùng trong Văn Chấn lọt vào tay chúng. Tiếp đó, Pháp xây dựng hàng chục đồn bốt trên đất Văn Chấn.

Trước tình thế trên, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định cho phép Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn (cơ quan đầu mối kháng chiến) cùng Huyện ủy, Ủy ban Hành chính huyện, bí mật rút về Đại Lịch và đóng tại Khe Liền, Lường, Đồng Mè, lấy Khe Liền làm địa điểm thường trực. Khe Liền có đình làng, là thiết chế văn hóa tâm linh, có thể che mắt địch nên những người lãnh đạo cuộc kháng chiến của xã, của huyện đã quyết định chọn đình làm nơi hội họp khi cần thiết, trong đó có việc tuyên bố kết nạp Đảng cho một số đồng chí cán bộ trung kiên như: Bùi Lạc, Hà Văn Ky, Phạm Thị Thức, Hà Thị Thuần...

Cuối tháng 10/1947, Tỉnh ủy Yên Bái họp bàn chủ trương củng cố tinh thần, tư tưởng, ý chí chiến đấu cho nhân dân, phát triển mạnh chiến tranh du kích… Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trực tiếp kiểm tra huyện Văn Chấn và xây dựng Đại Lịch thành căn cứ du kích, làm việc với huyện bộ và xã bộ Việt Minh tại đình Khe Liền.

Buổi làm việc chỉ hơn một tiếng đồng hồ nhưng đã đưa ra giải pháp thực hiện 4 vấn đề lớn đó là: triệt để sơ tán lên rừng, thực hiện vườn không nhà trống; tổ chức lại và phát triển các đội du kích trong toàn huyện và lân cận, kiên quyết chống giặc càn quét; phân loại tề ngụy để đối sách với từng loại; giữ vững đường dây liên lạc giữa huyện với xã, huyện với tỉnh.

Như vậy, ở làng Khe Liền, các địa danh: Khe Phắc Nam, Khe Đồng Lở, Khe Cái và đình Khe Liền, cùng với các làng: Đồng Mè, Lường, Thanh Bồng của xã Đại Lịch gắn liền với cơ quan lãnh đạo huyện Văn Chấn thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ tháng 10/1947 đến tháng 10/1949. Cuối năm 1949, nhân dân tản cư, cơ quan huyện Văn Chấn rút ra Hiền Lương.

Hà Lâm Kỳ