Vị thế nguồn “than trắng” của tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2016 | 9:35:11 AM

YBĐT - Thiên nhiên đã ban tặng cho Yên Bái vô số những dòng sông, con suối, từ sông Hồng, sông Chảy đến ngòi Thia, ngòi Hút, thác Rào, thác Thiến...

Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà mỗi năm nộp khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế, chưa kể phí dịch vụ môi trường rừng vào ngân sách nhà nước.
Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà mỗi năm nộp khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế, chưa kể phí dịch vụ môi trường rừng vào ngân sách nhà nước.

Với những dòng nước bất tận, sông suối Yên Bái không chỉ cung cấp nguồn nước, phát triển giao thông đường thủy, nơi cá tôm và rất nhiều nguồn thủy sản khác sinh trưởng, phát triển mà còn là nơi lý tưởng để xây dựng các nhà máy thủy điện.

Ông Nguyễn Kim Hùng - một chuyên gia về lĩnh vực thủy điện cho biết: “Nói các con suối lớn ở Yên Bái là nơi lý tưởng để xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ là rất đúng vì qua khảo sát cho thấy, các dòng suối ở Yên Bái có độ dốc lớn, nằm giữa những triền núi cao, xa khu vực dân cư...

Những yếu tố này giúp cho dự án thủy điện triển khai nhanh; đắp đập ngắn, hồ chứa nhỏ, ít tác động đến môi trường... Độ tàn che phủ của rừng Yên Bái khá cao cũng là một ưu thế vì còn rừng nhiều thì nguồn nước sẽ tương đối ổn định, giúp cho việc phát điện liên tục, đặc biệt là trong mùa khô”.

Tất cả những tiềm năng, thuận lợi kể trên đã được các nhà đầu tư nhận thấy từ rất sớm, nhất là sau khi Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) công bố quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo đó, Yên Bái sẽ có 88 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 265,176 MW, chưa kể Nhà máy Thủy điện Thác Bà (đi vào vận hành từ năm 1971), công suất 120 MW.

Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp 25 chứng nhận đầu tư và thỏa thuận khảo sát 23 dự án thủy điện. Trong số 25 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhiều dự án hoàn thành phát điện với tổng công suất phát 201 MW gồm: Hưng Khánh, Nậm Đông III và IV, Nậm Tục I, Ngòi Hút I, Mường Kim, Hồ Bốn, Văn Chấn, Hát Lừu, Ngòi Hút II và Khao Mang Thượng; 4 dự án đang triển khai thi công gồm: Noong Phai, Khao Mang, Làng Bằng, Ngòi Hút 2A.

Mới chỉ có hơn 1/3 số dự án hoàn thành, nhà máy đi vào sản xuất nhưng thủy điện đã đóng góp rất đáng kể cho nền kinh tế. Theo thống kê, năm 2015, các dự án thủy điện đã sản xuất 1.089 triệu kWh điện, năm 2016, sản xuất 1.240 triệu kWh điện, chiếm 16% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Đặc biệt, trên lĩnh vực thu ngân sách, các công ty thủy điện luôn là những doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Yên Bái. Tổng thu ngân sách từ thủy điện năm 2015 là 172,434 tỷ đồng, năm 2016 là 217,516 tỷ đồng (chưa bao gồm Thủy điện Thác Bà).

Thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, là đơn vị đóng góp nghĩa vụ thuế lớn nhất với số thu nộp năm 2016 trên 80 tỷ đồng. Thủy điện Văn Chấn, công suất 57 MW, năm 2015 đóng góp 33,066 tỷ đồng, chiếm tới 30% tổng thu ngân sách của huyện Văn Chấn.

Đánh giá của ngành công thương cho thấy, nhờ địa hình thuận lợi và do các chủ đầu tư dự án đã có ý thức thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ nên các dự án thủy điện rất an toàn, không những rất ít hủy hoại môi trường mà còn tạo ra cảnh quan hùng vỹ, giúp người dân trong vùng phát triển kinh tế.

Điển hình như: hồ Thác Bà - một “Hạ Long trên núi” hay người dân các xã An Lương, Suối Quyền, Sùng Đô (Văn Chấn)... có điện, có đường tốt nhờ Dự án Thủy điện Văn Chấn. Chuyện thật như mơ, người Mông ở Mù Cang Chải đang nhen nhóm ngành nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Khao Mang... đã minh chứng cho điều đó.

Sẽ là khiếm khuyết khi nói về thủy điện Yên Bái mà không nhắc đến các chủ đầu tư, những doanh nhân dám nghĩ, dám làm, họ còn là những “mạnh thường quân” trong công tác từ thiện, nhân đạo.

Với tấm lòng hiếu nghĩa, những tên tuổi như: Bùi Khắc Sơn - Thủy điện Văn Chấn, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Văn Quyền - Thủy điện Thác Bà... đã bỏ ra nhiều tiền bạc, vận động, quyên góp được nhiều hiện vật giá trị cả tỷ đồng để xây trường học cho em thơ, để làm nhà, mua ti vi, chăn ấm cho đồng bào nghèo. Khi bão tan, lũ xuống, các doanh nhân làm thủy điện ở Yên Bái lại sẵn lòng làm từ thiện. Ngay lúc này đây, nhiều anh chị dù đang bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn để tâm đến việc chuẩn bị vài trăm suất quà tết tặng đồng bào nghèo.

Thế mới thấy, tâm và tài của những người làm thủy điện, dám bỏ trăm, nghìn tỷ đồng vào nơi thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng, nước độc để làm ra nguồn năng lượng cho đời; khai thác tiềm năng, thế mạnh để nhịp bước cùng với Yên Bái trên con đường phát triển.

Lê Phiên