Một năm thơ Yên Bái: Trăn trở và kỳ vọng

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2017 | 8:32:15 AM

YBĐT - Năm 2016, các tác giả thơ Yên Bái cho ra mắt bạn đọc 3 tập thơ. Tập “Những con sóng nâu” của tác giả Vũ Chấn Nam mang giọng thơ hào sảng, ngợi ca với nhiều tâm trạng, hoàn cảnh thơ, địa danh, đề tài khác nhau; thơ viết kỹ, đã để lại nhiều ấn tượng.

Những tập thơ xuất bản năm 2016 của các tác giả Yên Bái.
Những tập thơ xuất bản năm 2016 của các tác giả Yên Bái.

Tập thơ “Chuyến đò thời gian” của tác giả Thanh Phương thấy rõ sự nỗ lực của ông trên con đường tìm cảm xúc để đến với thơ. Một số bài thơ đã chú ý tới ngôn ngữ nghệ thuật, có hình ảnh. Tập thơ “Đại cương thế giới sử thi” của tác giả Lê Văn Cường là tập thơ lục bát liên hoàn gồm 3.456 câu, cho thấy sự dụng công trong việc đầu tư thời gian. Một năm, công bố 3 tập thơ, nhìn thì thấy thơ Yên Bái chững hẳn lại, mong sao đó là khoảng “nghỉ chân” để lấy đà bứt lên trong năm tới.

Cùng các tập thơ xuất bản, thơ đăng trên các phương tiện truyền thông làm nên diện mạo thơ chung của tỉnh, thể hiện sự đa thanh, đa sắc, đa dạng của cac tác giả thơ. Năm qua, làng thơ Yên Bái thấy sự góp mặt nhiệt thành, hồn hậu của các tác giả như: Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Dương Soái, Ngọc Chấn, Ngọc Loan, Lê Ngân, Đăng Lộc, Nguyễn Ngọc Trìu, Hà Ngọc Anh, Đoàn Đức Bình, Nguyễn Thế Chửng, Trịnh Thoại, Kiều Ngọc, Tường Vy, Lê Văn Lộc, Phạm Đức Toàn…

Nhà thơ Ngọc Bái tiếp tục đóng góp những bài thơ chứa đựng nỗi niềm nhân thế, những trăn trở về cuộc đời, về quá khứ và hiện tại. Mỗi bài thơ luôn là những thông điệp gửi đến bạn đọc về triết lý nhân sinh, lẽ sống: “Điểm lại hành trang có những gì?/ Cái được nhất là mình từng trải/ Cái được nhất là thảnh thơi kiêm ái/ Còn những gì đáng quên thì quên!/ Những gánh nặng rơi vãi dọc đường/ Những thật giả phù du như mây nổi…” (Hành trình).

Tác giả Dương Soái viết với cảm xúc thơ dồi dào, giọng thơ lạc quan, tươi trẻ, trong trẻo, mượt mà: “Mỗi nhành non, mỗi nụ, mỗi hoa/ Nối đời cây tới tận cùng xanh biếc/ Một thoáng tin, một thoáng người xa biệt…” (Giao mùa).

Tác giả Ngọc Chấn thiên về ký thác, thơ giàu hình ảnh, suy ngẫm, có sức gợi: “Có gì vương như mây, có gì trôi như sương/ Vỗ về chiếc gầu sòng ngày cũ đã đi qua (Người đánh rơi câu hát).

Tác giả Nguyễn Ngọc Trìu có lối tiếp cận thơ của thế hệ đương đại, có sự tìm tòi trong cách thể hiện, cách lập tứ: “Tiếng mõ trâu thong thả tiễn chân ngày/ Khói bản xa thả lên trời yên ả/ Ta treo mình vào tiếng chim lảnh lót/ Hót vang chiều lần nữa tới Khai Trung…” (Khai Trung cổ tích chiều).

Tác giả Hà Ngọc Anh lại có giọng thơ ngọt ngào, đằm thắm, tự nhiên: “Chiếc lá chầm chậm bay/ Tiếng chim gù khe khẽ/ Hạt mưa buông nhè nhẹ/ Thời gian lững lờ trôi…” (Tháng ngày trong trẻo).

Thơ của tác giả Đăng Lộc giàu cảm xúc, chủ yếu dùng thể thơ truyền thống, thiên về hoài niệm, đậm chất lính, hầu hết viết về người lính biển như tâm sự của ông qua mấy câu thơ: “Thao thiết quá vần thơ từ biển/ Gửi đất liền, đất mẹ nỗi nhớ mong/ Nơi đảo xa vẫn vững vàng trên sóng/ Tổ quốc linh thiêng, người lính một tấm lòng…” (Vần thơ từ biển)... C

òn nhiều câu thơ hay, thơ khá, thơ tạo được ấn tượng của các tác giả khác không thể kể hết ra đây chỉ xin điểm qua một vài tác giả như vậy để thấy rằng, chúng ta vừa qua một mùa thơ “đơm” ít nhiều những “trái thơ chín mọng”.

Năm qua, làng thơ còn có sự góp mặt của một số tác giả tuổi cao, như: Hoàng Hữu Kiên, Trần Phan Đông, Mai Long, Phạm Sỹ Quang, Nguyễn Văn Hợp… Họ làm thơ với nhiều suy tư, chiêm nghiệm, trăn trở về cuộc sống. Bên cạnh các tác giả kể trên, thơ của các tác giả trẻ như: Mai Oanh, Lê Văn Cường, Nguyễn Tiến Kiều, Nguyễn Thu Phong, Lò Thị Én Xuân, Đào Thu Hương… đem đến sự tươi mới, trẻ trung, đằm thắm. Ngoài các tác giả trẻ đã là hội viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, trong năm, xuất hiện khá đều đặn thơ của một vài tác giả mới, như: Vũ Thu Hương, Hà Ngọc, Lệ Hằng, Lưu Khánh Linh… đã góp thêm một làm gió mới cho thơ Yên Bái.

Nói vậy không phải bài thơ nào cũng như ý. Đâu đó vẫn thấy có những bài tư duy thơ và hình ảnh thơ quen thuộc. Cách lập tứ, miêu tả hình ảnh của khá nhiều bài bị lặp lại. Một số bài chỉ dừng lại ở sự trau chuốt, bộc lộ tình cảm, ít gửi gắm, chưa đạt tới tính khái quát, thiếu sức nặng về tư tưởng. Một số tác giả sáng tác ra tự thấy tác phẩm của mình hay, mới nhưng thực ra lại rơi vào sáo mòn bởi ít đọc của người khác, nhất là việc tiếp cận với mặt bằng thơ chung của cả nước. Một số tác giả do ham viết cho lạ, loay hoay câu chữ nên bài thơ sa vào cầu kỳ, thiếu tự nhiên... Thơ ngày nay đa phong cách, nhiều trường phái, không ít người vì đó mà hoang mang, lúng túng. Nhận thức, tri thức của công chúng ngày càng cao, người đọc ngày càng khó tính, đòi hỏi người làm thơ phải luôn luôn trăn trở, đổi mới, tự vượt qua và không bao giờ bằng lòng với chính mình.

Nhìn lại thơ của một năm, thấy sự nỗ lực của cả đội ngũ những người làm thơ. Chúng ta có 7 tác giả đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất; 2 tác giả đoạt giải viết về 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 2. So với chất lượng mặt bằng chung của cả nước, thơ Yên Bái đã tạo được chỗ đứng, luôn được đánh giá cao. Chưa thực sự hài lòng với những gì đã đạt được nhưng kết quả đó thật đáng tự hào, làm hành trang cho các tác giả thơ Yên Bái tiếp tục lặng lẽ lao động, sáng tạo, cống hiến và cho chúng ta kỳ vọng vào những năm tiếp theo.

Nông Quang Khiêm