Để tục đốt vàng mã là nét đẹp văn hóa tâm linh

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 8:13:41 AM

YBĐT - Với quan niệm "trần sao, âm vậy", nhiều người dân mua sắm đồ vàng mã để cúng lễ vào các ngày tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Vẫn biết, tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành tín ngưỡng của người Việt. Nhưng, hiện nay, nhiều người hiểu chưa thấu đáo về việc đốt vàng mã khiến việc làm này không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.

Đồ vàng mã được bày bán đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đồ vàng mã được bày bán đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tình trạng người dân mua sắm đồ vàng mã để cúng lễ tổ tiên vào những ngày trọng đại trong năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội diễn ra khá phổ biến. Nếu trước kia đồ vàng mã để dâng cúng tổ tiên có quần áo, hài, đồ trang sức, tiền âm phủ… thì nay đồ vàng mã được đa dạng hóa có đồ gia dụng như xe máy, ô tô hay biệt thự, thậm chí là các mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính… cuộc sống đời thường có những gì thì ở các cửa hàng vàng mã có những thứ đó. Giá các loại hàng mã rất đa dạng trung bình lễ mấy chục nghìn, khá giả thì tiền trăm, tiền triệu cũng có. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch), các hộ gia đình làm vàng mã lại phải tăng ca, tranh thủ làm cả ngày, lẫn đêm mới đủ hàng cung cấp nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Cầu - chủ một cửa hàng sản xuất hàng mã, trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: “Cuối năm, khách hàng đặt mua vàng mã để cúng ông bà, tổ tiên, đi lễ đầu năm khá nhiều. Gia đình tôi có khi phải làm tranh thủ cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng giao cho khách”.

Những ngày này, người dân đã nhộn nhịp đi mua sắm vàng mã phục vụ cho tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị Nga, tổ 8, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, đang lựa đồ vàng mã làm lễ cúng cho biết: “Tôi đốt tiền, quần áo vàng mã không biết các cụ dưới âm có nhận được không. Nhưng năm hết tết đến, tôi chuẩn bị đồ cúng tươm tất, đặc biệt là vàng mã, mũ áo với mong muốn để người đã khuất được đầy đủ”.

Tục đốt đồ vàng mã mỗi dịp lễ, tết, giỗ... được các thế hệ người Việt Nam duy trì từ bao đời, với nguyện cầu cho những người đã khuất tiếp tục có cuộc sống đầy đủ hơn khi đã về thế giới bên kia. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức tục lệ này với những loại đồ mã, vàng mã quá đắt tiền, nhiều loại kích thước rất lớn, các đồ công nghệ theo quan niệm "trần sao âm vậy" gây phản cảm.

Nhất là những người làm ăn kinh doanh, buôn bán thì việc đốt vàng mã được coi như là trả lễ, “lộc bất tận hưởng”, quan niệm càng đốt nhiều càng được phù hộ cho việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”. Tình trạng biến tướng, lạm dụng quá đà việc đốt vàng mã của một bộ phận người dân không những gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường khi tro bụi từ hóa vàng mã đổ trực tiếp ra sông, hồ, nhiều nơi không thu dọn, phát tán trong khu dân cư gây mất mỹ quan. Đó là chưa kể đến các vụ cháy, nổ do người dân bất cẩn khi thắp hương, hóa vàng. Nhà nước ta đã có những quy định về đốt vàng mã, đồ mã.

Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vănhóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn cho thấy “phép vua thua lệ làng”, sự không thống nhất, còn chung chung trong quy định, chưa xuất phát từ nhận thức của người dân.

Thay đổi thói quen của cả xã hội là việc làm vô cùng khó, đốt vàng mã lại gắn với nghi thức tâm linh truyền thống, vấn đề đặt ra không phải là bài trừ xóa bỏ mà cần có sự định hướng cụ thể của các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền và giáo dục người dân đốt vàng mã sao cho phù hợp đồng thời vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thu Hiền