Về miền Tây trẩy hội Lồng Tồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 9:39:29 AM

YBĐT - Trong không khí của xuân mới, người già, người trẻ, làng trên, bản dưới xã Sơn A, Văn Chấn lại cùng nô nức kéo về tham dự Lễ hội Lồng Tồng. Cả một không gian náo nhiệt hòa cùng âm vang của tiếng chiêng, nhịp trống. Các chàng trai, cô gái Thái e ấp trong điệu múa cổ truyền. Lũ trẻ thì hò hét cổ vũ, thi thoảng lại cười giòn tan trong nắng xuân.

Người dân náo nức mang lễ vật đến Lễ hội Lồng Tồng.
Người dân náo nức mang lễ vật đến Lễ hội Lồng Tồng.

Thực hiện phần lễ, bên thửa ruộng rộng ven dòng suối Thia huyền thoại, người dân Sơn A đang chung tay đưa mâm cỗ chính “Pan cộ”, mâm ngũ quả “Pan lệ”, mâm “Còn vòng”, hai mâm “Pan tạo cắp A Nha” của tạo thổ, tạo phìa và những mâm lễ vật của thôn bản đến khu vực tế lễ.

Thầy cúng Sa Đình Trưởng là người đại diện cho dân làng gửi lời thành kính, biết ơn và nguyện cầu tới các bậc linh thiêng vừa kiểm tra các mâm cỗ vừa nói như muốn truyền dạy lại cho mọi người: “Mâm “Pan cộ” phải có một con lợn, 3 bát hương, hai đĩa xôi, 15 chiếc chén, 12 đôi đũa; một mâm nhỏ gồm một cuộn vải Thái, ba đĩa lá trầu không, vòng cổ, vòng tay. Mâm “Pan lệ” có một nải chuối, một chiếc bánh trưng, hoa quả, bánh kẹo là được rồi.

Mâm “Còn vòng” phải có một con gà luộc, 5 đôi chén đũa, chai nước lã, bát nước, bát gạo, chai rượu trắng. Còn hai mâm cỗ giống nhau mỗi mâm phải có một con gà luộc, gọi là “Pan tạo cắp A Nha” - mâm của tạo thổ và tạo phìa, là người đứng đầu trong một vùng. Tất cả phải được sắp xếp từ cao xuống thấp cho phù hợp với sự kính trọng của nhân dân đối với người có địa vị, thể hiện tính trật tự trong xã hội. Các mâm của làng bản cúng lễ thì tùy vào sản vật địa phương”.

Kiểm tra xong các mâm cỗ, việc tế lễ bắt đầu. Các mâm cỗ được xếp thứ tự dọc theo hai bên mâm “Pan cộ” thành hàng. Đồ dùng cúng vật là sản vật của bà con sau một năm sản xuất. Thầy cúng cùng đại diện chính quyền xã đứng lễ tại mâm chính, các bậc cao niên thôn bản ngồi trước mâm cỗ của mình cùng cầu nguyện: “Cầu cho dân bản bình an, con cháu có sức khỏe, đi làm ăn xa thuận lợi, cầu cho mưa thuận - gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu học hành tiến bộ”.

Tiếng nguyện cầu của mỗi người dù rất nhỏ nhẹ nhưng cộng hưởng vào nhau cứ rì rầm lan tỏa khắp cánh đồng… Khi thầy cúng xin “âm - dương” cũng là lúc việc tế lễ của dân bản đã được hoàn thành. Lễ vật được đem chia đều cho mọi người trong thôn bản, tượng trưng cho phát lộc may mắn đầu xuân.

Nghi lễ kết thúc, từ bên dòng suối Thia vang nhịp trống hội dồn dập của hội thi đua mảng. Mỗi mảng đại diện cho một thôn gồm hai chàng trai khỏe mạnh, chân họ bám chắc trên mảng, lưng vặn liên hồi theo phía mái chèo, nước tung bọt trắng xóa. Họ cùng hò hét theo nhịp trống làm khuấy động cả một vùng, sức vóc trai trẻ gợi lại hình ảnh các bậc tiền nhân lập bản, lập mường từ thuở xa xưa.
Phía bên cuối thửa ruộng, sau khi chia xong lễ vật các bậc cao niên cùng khua chiêng, phối khèn theo các làn điệu xòe Thái cổ thúc giục mọi người mở rộng vòng xòe.

Những cô gái Thái trắng trẻo, dịu dàng trong áo cỏm lưng ong, đôi chân uyển chuyển, chúm chím môi cười quyến rũ trong vòng xòe khiến bao chàng trai say đắm hòa nhịp. Cứ thế, vòng xòe bỗng chốc đã mở rộng ra bao kín thửa ruộng khiến cho du khách thập phương cũng hào hứng tham gia hoặc vô tình lọt vào vòng xòe cho đến lúc tan hội.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào Tày, Thái ở các địa phương Sơn A, Tú Lệ, Thượng Bằng La… khu vực phía Tây của tỉnh lại tưng bừng mở hội Lồng Tồng đón xuân để tạ ơn trời, đất, các vị thần linh đã phù hộ cho một năm thắng lợi và cầu một năm mới sẽ đến với nhiều điều tốt lành. Ngày nay, Lồng Tồng không chỉ được duy trì như một lễ hội truyền thống mà đã được gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham gia mỗi dịp đầu xuân mới.

Văn Dương