Người làm giàu ở vùng quê nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/5/2017 | 10:50:48 AM

YBĐT - Ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Dao ở thôn 2, xã Yên Thành, huyện Yên Bình được biết đến là người luôn mạnh dạn đi đầu trong việc học hỏi, chuyển đổi hướng phát triển các mô hình kinh tế mới mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nguyên liệu tại chỗ dồi dào nên xưởng gỗ bóc của ông Thành sản xuất khá ổn định.
Nguyên liệu tại chỗ dồi dào nên xưởng gỗ bóc của ông Thành sản xuất khá ổn định.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nên cuộc sống của ông Thành cũng giống như mọi người dân nơi đây phải trải qua nhiều nghề từ làm thuê đến đánh bắt cá, tôm trên hồ Thác Bà... nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám từ năm này, qua năm khác. Gần chục năm trở lại đây, bằng ý chí, nghị lực của mình, ông Thành đã tích cực học hỏi cách phát triển kinh tế và tận dụng được thế mạnh tại chỗ để từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Hoàng Văn Thành cho hay: “Phần lớn người dân ở đây là đồng bào Dao, trình độ, dân trí còn hạn chế nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế và áp dụng tiến bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi vì đất đai chủ yếu là đảo hồ, đồi dốc, đất sản xuất nông nghiệp ít nên kinh tế manh mún, không ổn định. Nhà nào thật chịu khó thì mới đủ ăn, đủ mặc nên chuyện thiếu đói giáp hạt cũng là lẽ đương nhiên. Từ thực tế như vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để tìm được hướng phát triển kinh tế cho cho gia đình và giúp được bà con mình từng bước vươn lên”.

Với những suy nghĩ đó, ngoài thâm canh mấy sào ruộng, chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt đảm bảo sinh hoạt gia đình hàng ngày thì với trên 8 ha đồi rừng, ông Thành đã tìm mua giống keo lai về trồng và biến những đồi hoang thành rừng kinh tế. Để cây lớn nhanh, cho năng suất, sản lượng cao, những năm đầu mới trồng cây, ngoài bón phân, làm sạch cỏ dại thì ông còn trồng xen sắn, cây họ đậu để có thêm sản phẩm và làm cho đất tơi xốp để cây lớn nhanh. Vừa làm nông lâm nghiệp, ông Thành còn mở cửa hàng dịch vụ để bán hàng tạp hóa... Mỗi năm từ mọi nguồn thu, gia đình ông Thành cũng tiết kiệm được khoảng 40 đến 50 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, khi người dân đã tích cực trồng rừng, ông Thành còn tận dụng diện tích vườn rộng rãi để ươm cây giống bán cho bà con. Những năm gần đây, đồi rừng của bà con hàng năm đã cho khai thác, nhưng sản phẩm vẫn bán cho những xưởng gỗ bóc ở các xã: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, thị trấn Thác Bà... Thấy vậy, ông Thành đã đến các xưởng ván bóc để tìm hiểu, học hỏi về cách làm ván bóc rồi mở xưởng làm ván bóc tại nhà.

Nhờ tận dụng được nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu tại chỗ, nên khi đi vào sản xuất, xưởnggỗ bóc của ông Thành hoạt động khá ổn định. Ngoài việc thu mua được nhiều gỗ rừng trồng giúp bà con trong xã thì xưởng của ông còn giải quyết việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập của gia đình ông Thành đạt trên 300 triệu đồng/năm. Có được thành quả đó là cả một quá trình học hỏi, mạnh dạn, không sợ khó, sợ khổ của ông Thành và gia đình.

Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: “Yên Thành là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế. Bởi vậy, những tấm gương nhạy bén, mạnh dạn trong chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình của ông Thành không chỉ giúp gia đình vươn lên làm giàu mà đây còn là động lực và là cơ sở để địa phương tuyên truyền cho bà con học hỏi, thay đổi tư duy trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi tại địa phương”.

Châu Á