Thanh niên nông thôn đang ly hương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2017 | 6:51:23 AM

YBĐT - Thanh niên đang đi làm ăn xa. Vì thế, thời gian này, về các vùng nông thôn trong tỉnh thấy làng, bản, thôn, xóm rất ít thanh niên, hầu hết là người già và trẻ nhỏ.

Để thu hút lực lượng thanh niên ở lại quê làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là rất khó, bởi họ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện của từng địa phương. Đối với thanh niên ở khu vực nông thôn, việc làm liên quan đến tư liệu lao động, đất đai, công cụ lao động, kỹ năng nghề và vốn sản xuất. Các yếu tố trên kết hợp thành một chính thể tác động mạnh đến đời sống của thanh niên nông thôn. Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, dân số phần lớn là làm nông nghiệp, đặc biệt, tỷ lệ sử dụng lao động thanh niên ở vùng nông thôn còn thấp, dẫn đến đời sống của đa số bộ phận thanh niên nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thanh niên đi làm ăn xa thời gian qua có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu sản xuất không hợp lý, ngành nghề kém phát triển, chất lượng lao động còn thấp, chưa được đào tạo nghề thích hợp nên ít cơ hội tìm kiếm việc làm cho thanh niên. Trình độ học vấn, nhận thức năng lực quản lý và trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn Thanh niên ở cơ sở nông thôn còn hạn chế, dẫn đến hiếu khả năng tìm cách giải quyết việc làm cho thanh niên. Thậm chí, trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế nên không thu hút và giữ chân được lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo có năng lực ở lại địa phương làm việc.

Mặc dù trong những năm qua, Tỉnh đoàn Yên Bái và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp gắn với phong trào “Tuổi trẻ Yên Bái tham gia xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế”.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc tham gia phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên. Tiêu biểu là mô hình lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương thông qua việc xây dựng các mô hình: tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, mô hình câu lạc bộ trang trại trẻ, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế...

Đồng thời, các cấp cũng tạo nguồn cho thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Song con số thực thì vẫn còn rất khiêm tốn và chưa thực sự hiệu quả.

Để thu hút lực lượng thanh niên nông thôn ở lại quê hương, trở về quê làm việc, các cấp bộ Đoàn, Hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, cống hiến của sức trẻ; thường xuyên nghiên cứu, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ việc khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên.

Việc thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái là cần thiết để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, kết nối và đồng hành cùng thanh niên Yên Bái trong việc triển khai các đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế.

Cùng với đó, các cấp, ngành, đoàn viên thanh niên cần đẩy mạnh phong trào đoàn viên thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp; làm tốt việc định hướng cho đoàn viên thanh niên trong khởi nghiệp. Ngân hàng cần quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp. Đoàn viên thanh niên thực hiện khởi nghiệp phải có tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi”, phấn đấu vươn lên khởi nghiệp thành công, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh.

Quang Thiều