Mù Cang Chải chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 8:04:45 AM

YBĐT - Những năm qua, việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã mang lại hiệu quả tích cực. Người tham gia học nghề đã biết cách tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập từng bước thoát nghèo.

Học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại xã La Pán Tẩn.
Học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại xã La Pán Tẩn.

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp LĐNT nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, huyện đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến tất cả các xã, thị trấn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên. Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định về chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề.

Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề được đặc biệt quan tâm. Huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (TTDN&GDTX) huyện tiến hành khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Để thực hiện các kế hoạch của Đề án, hàng năm, huyện tiến hành hoàn thiện công tác điều tra nhu cầu lao động ở tất cả các xã, thị trấn, nhằm đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.

Kết quả, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho 1.876 người với các nghề như: kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y, kỹ thuật nuôi ong mật, kỹ thuật trồng và sơ chế sơn tra, trồng trọt và chế biến nông sản, chăn nuôi lợn… đã có 1.631 người có được việc làm sau đào tạo; nghề phi nông nghiệp có 1.101 người được đào tạo gồm các nghề: sửa chữa xe máy, xây dựng, điện dân dụng, rèn, sửa chữa máy nông cụ, thêu dệt thổ cẩm… 750 lao động có được việc làm sau đào tạo.

Tổng kinh phí thực hiện công tác dạy nghề là 7 tỷ 064 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5 tỷ 443 triệu đồng, ngân sách địa phương 1 tỷ 621 triệu đồng.

Sau các khóa đào tạo các học viên đã áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất cũng như mở cửa hiệu làm nghề như sửa chữa xe máy, nông cụ, thành lập hợp tác xã về xây dựng… điển hình là học viên của các xã: La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Cu Nha.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi của công tác dạy nghề thì TTDN&GDTX huyện hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn như: thiếu nhà xưởng phục vụ cho công tác giảng dạy, chưa có nhà ở bán trú cho học viên; các lớp phi nông nghiệp nếu muốn mở lớp đều phải vận chuyển thiết bị giảng dạy đến tận thôn, bản và phải nhờ vào hội trường thôn; giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa; giáo viên dạy cơ hữu còn thiếu; nhiều xã chưa chú trọng đến công tác dạy nghề dẫn đến tình trạng mất chỉ tiêu học viên tại một số lớp… Vì vậy, dù đã rất nỗ lực nhưng chỉ tiêu mở lớp hàng năm thì đủ nhưng học viên đến học chỉ đạt gần 90%”.

Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT”, đã góp phần quan trọng để kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ngày càng phát triển. Qua công tác dạy nghề, trung bình hàng năm huyện còn tạo việc làm mới cho gần 1.000 LĐNT.

Do đó, nhiều giải pháp thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT được huyện đề ra đến năm 2020 như: mỗi năm đào tạo nghề cho gần 500 người, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dạy nghề, tìm việc làm cho người học nghề sau đào tạo, tăng cường hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường, liên kết đào tạo nghề với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động… Góp phần thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ đã đề ra.

Thạch Phong