“Năng nhặt” mới “chặt bị”

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/9/2017 | 8:37:13 AM

YBĐT - Đó là suy nghĩ và cũng là việc làm cụ thể, thiết thực của anh Đinh Văn Lưu ở thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.

Sử dụng men vi sinh ủ thức ăn thường xuyên, anh Lưu đã góp phần giảm 15% chi phí thức ăn đồng thời còn hạn chế được dịch bệnh.
Sử dụng men vi sinh ủ thức ăn thường xuyên, anh Lưu đã góp phần giảm 15% chi phí thức ăn đồng thời còn hạn chế được dịch bệnh.

Gia đình có 4 khẩu, hai vợ chồng anh là lao động chính. Có 3 ha đất rừng trồng keo, bồ đề đã vào năm tuổi thứ 6, thứ 7 nhưng nhà anh không có diện tích ruộng, diện tích màu nào. Lúc rừng mới trồng, anh Lưu có trồng xen cùng cây sắn nhưng khi keo, bồ đề lớn nhanh thì bỏ hết sắn, chỉ còn chăn bò, chăn dê dưới tán rừng. 

Luôn muốn đổi mới, đi đầu trong mọi công việc nên khi địa phương đưa chương trình, dự án nào về là anh Lưu đều đăng ký tham gia. Khi đã được tham gia chương trình, dự án nào là anh cũng lại đều thực hiện có trách nhiệm, có hiệu quả. 

Thời điểm này, trong chuồng nhà còn 10 lợn nái mà anh được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng từ năm 2011. Đàn dê được hỗ trợ 10 con cái, 1 con đực và tiền làm chuồng 4 triệu đồng năm 2014 thì nay đã tự nhân đàn lên khoảng 30 con. Còn đàn bò, anh tự đầu tư 10 con bò và được hỗ trợ 15 triệu đồng làm chuồng.

Ngoài ra, gia đình còn nuôi chừng 100 con gà cùng với cả vài chục đôi chim bồ câu. Riêng chim bồ câu thì anh Lưu cho biết: "Những loài khác thì tôi thấy cũng bình thường thôi nhưng với chim bồ câu thì hình như cũng cần đến một thứ mà ông bà ta vẫn hay nói là "tay nuôi”, nếu không chim sẽ khó sống hoặc không sinh sản như mình mong muốn”. 

Tận dụng nguồn thức ăn xanh cho đàn bò, đàn dê tưới tán rừng trồng đã giảm rất nhiều chi phí cho gia đình. Đối với đàn dê, hầu như anh không phải bổ sung thêm nguồn thức ăn. Đối với đàn bò, mấy tháng rét mùa đông, anh cho ăn thêm sắn khô nghiền thành bột, chuối cây băm nhỏ tính ra 10 con chỉ ăn mỗi ngày một cây. 

Đối với đàn lợn, anh sử dụng men vi sinh ủ thức ăn thường xuyên đã góp phần giảm 15% chi phí thức ăn đồng thời còn hạn chế được dịch bệnh và tăng cường sức đề kháng, sức khỏe cho đàn vật nuôi. 

Mỗi năm, hộ anh Lưu thu về khoảng 100 triệu đồng từ lợn, 10 triệu đồng từ dê, 30 triệu đồng từ bò, một ít nữa từ gà, từ chim bồ câu. 

Lấy ngắn nuôi dài, triệt để tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có để giảm thấp nhất chi phí sản xuất, các món vay nợ để đầu tư cho chăn nuôi của gia đình dần dần đã hết. 

Một điều mà anh Lưu đã tự rút ra trong quá trình chăn nuôi của mình là phải quan tâm, tìm hiểu, theo dõi, nắm bắt, lý giải được quy luật của thị trường qua thông tin trên các phương tiện truyền thông, qua kinh nghiệm của bản thân thì mới có thể phần nào tránh được rủi ro. Như đàn lợn, nhờ giảm số lượng do nhận thấy thị trường khó khăn từ giữa năm 2016 nên anh Lưu cũng đã giảm được khá nhiều thiệt hại trong những tháng qua. 

Anh Lưu chia sẻ: "Dù có lúc này lúc khác thì cũng đều cho mình kinh nghiệm để ngày mai tiếp tục”.

Nguyễn Thơm