Xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên: Chuyển động mạnh ở cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/9/2017 | 6:57:24 AM

YBĐT - Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, ngoài 3 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới là: Đại Phác, Yên Hưng, Yên Thái thì trong năm 2017 huyện tiếp tục có thêm 3 xã cán đích nông thôn mới (An Thịnh, Yên Phú và Yên Hợp). Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo bài bản và sự vào cuộc tích cực của người dân, đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Nhờ được hỗ trợ sản xuất, gia đình anh Bùi Văn Thanh thôn Cửa Ngòi, xã An Thịnh đã vươn lên làm giàu từ nuôi ong lấy mật.
Nhờ được hỗ trợ sản xuất, gia đình anh Bùi Văn Thanh thôn Cửa Ngòi, xã An Thịnh đã vươn lên làm giàu từ nuôi ong lấy mật.

Để hoàn thành mục tiêu XDNTM trong năm 2017, ngay từ cuối năm 2016, huyện Văn Yên đã bố trí nguồn ngân sách cũng như mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã trong Chương trình XDNTM, đặc biệt là các xã đăng ký cán đích nông thôn mới trong năm 2017 là Yên Phú, An Thịnh và Yên Hợp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về mục tiêu, ý nghĩa trong XDNTM.
 
Nhờ vậy, nhân dân các dân tộc trong huyện phấn khởi, tự nguyện hiến đất, góp công, góp của vào XDNTM với phương châm làm đến đâu chắc, bền vững đến đó chứ không chạy theo phong trào, chạy theo thành tích. Để hiểu rõ hơn về phong trào XDNTM, chúng tôi về xã An Thịnh. An Thịnh là xã thuần nông, có địa bàn rộng với 18 thôn, trên 9.000 nhân khẩu, trong đó gần 70% là bà con theo đạo Công giáo và nơi đây đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đường vào các thôn đều phong quang và cơ bản được bê tông hóa; bên các con đường là những ngôi nhà xây rất đẹp.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng phấn khởi cho biết: "Những năm qua, nhân dân trong xã luôn thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia phong trào XDNTM. Những nét đổi thay về bộ mặt nông thôn là rất phấn khởi, nhưng những biến đổi sâu xa trong tư duy phát triển kinh tế là rất đáng tự hào. Bà con nhanh nhậy tiếp thu cái mới, năng động, sáng tạo phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa và thị trường. Các mô hình phát triển kinh tế ngày một nhiều, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Đặc biệt, vừa qua nhân dân An Thịnh đã sản xuất thành công cánh đồng một giống lúa và là tiền đề xây dựng lúa gạo hàng hóa ở An Thịnh”.
 
Như để minh chứng cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Chi đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Thanh ở thôn Cửa Ngòi.
 
Gia đình anh Thanh vốn là một hộ nghèo, thực hiện chương trình hỗ trợ XDNTM, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng với nguồn vốn của gia đình, vốn vay anh em, bạn bè anh đầu tư vào chăn nuôi lợn, nuôi ong lấy mật. Có nguồn vốn và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn, nuôi ong lấy mật nên anh Thanh khá thuận lợi trong công việc và từ những đàn ong ban đầu, đến nay gia đình đã nhân được trên 130 đàn. Vừa nuôi ong lấy mật, gia đình anh Thanh còn cung ứng ong giống cho bà con quanh xã, bình quân mỗi năm thu nhập đạt trên 300 triệu đồng.

Hiện nay, toàn xã có trên 60 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế mà người dân còn tích cực hưởng ứng phong trào XDNTM. Từ đó, nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng và hiến hàng ngàn mét vuông đất thổ cư, đất vườn tạp, đất lúa để làm giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến hết tháng 8/2017, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí XDNTM.

Cũng như An Thịnh, xã Yên Phú luôn xác định phát triển kinh tế là động lực quan trọng để hoàn thành các tiêu chí XDNTM. Xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các giống cây trồng vật nuôi hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ vậy, Yên Phú đã tạo được bước đột phá trên đồng ruộng, xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa. 
 
Duy trì ổn định 50 ha đất trồng rau màu, 140 ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa; tích cực xây dựng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng hành lá xuất khẩu của HTX Dịch vụ Phú Đạt và mô hình trồng húng quế của Tổ hợp tác Mạnh Cường đã tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động có thu nhập từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ đổi mới sản xuất trên đồng ruộng, Yên Phú còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; qua đó, đã hình thành 3 cơ sở sản xuất gạch bê tông, 13 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc gia dụng, có 6 cơ sở hàn xì, khung nhôm, kính thu hút mỗi năm từ  50 - 60 lao động có mức thu nhập ổn định từ  3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
 
Đặc biệt, xã đã thành lập 20 đội thợ xây nhà phục vụ nhân dân trong xã và các địa phương khác với 300 người tham gia và mức thu nhập bình quân đạt từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng. Từ vấn đề lao động nông thôn có tay nghề, có việc làm đã đem lại thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
 
Cơ sở vật chất điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang và đến nay xã đã được các ngành, các cấp thẩm tra, đánh giá đảm bảo 19/19 tiêu chí XDNTM. Quan trọng hơn là diện mạo trên mỗi bản làng đã khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh, trật tự được ổn định và giữ vững.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, lòng dân đồng thuận và bước đi thích hợp, chắc chắn các xã trong lộ trình hoàn XDNTM ở Văn Yên năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Thanh Phúc