Tích cực tái đàn đảm bảo nguồn cung thị trường tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/9/2017 | 10:45:39 AM

YBĐT - Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, từ tháng 9 là thời điểm thích hợp nhất để người chăn nuôi tái đàn, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường tết Nguyên đán.

Do ảnh hưởng của thị trường, nguồn cung dư thừa, dẫn tới giá cả gia súc, gia cầm giảm mạnh, nhất là lợn hơi. Đầu năm 2017, giá lợn hơi đang dao động ở mức 45.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng sau đó giá giảm liên tục xuống 40.000 đồng, 30.000 đồng/kg và có thời điểm giảm chỉ còn 25.000 đồng. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 700 đến 1 triệu đồng/con. Giá lợn hơi giảm mạnh làm nhiều hộ chăn nuôi lao đao, khốn khó và nhiều hộ giảm đàn, thậm chí bỏ trống chuồng.

Sau hơn 6 tháng giảm giá liên tục thì 1 - 2 tháng trở lại đây, giá gia súc, gia cầm nói chung và giá lợn hơi đã tăng trở lại. Thời điểm trung tuần tháng 9, giá đang ổn định ở mức 32 - 33.000 đồng/kg. Giá gà ổn định ở mức 90.000 đồng/kg, vịt, ngan giữ ở mức 50 - 60.000 đồng/kg... Với mức giá này, nếu người chăn nuôi biết ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phòng chống tốt dịch bệnh thì vẫn có lãi. Chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay không chỉ là tự cung, tự cấp hay xóa đói, giảm nghèo mà đã thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, làm giàu.
 
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay lượng gia súc, gia cầm, nhất là số đầu lợn đã giảm đáng kể sau một thời gian dài giảm giá, lượng cung cầu đã cơ bản đảm bảo. Theo dự báo, cũng như thông lệ thị trường thì cứ trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm của thị trường rất lớn và giá cũng tăng mạnh trở lại. Giá lợn hơi được dự báo là sẽ tăng trên 40.000 đồng/kg, gà trên 100.000 đồng/kg...
 
Bên cạnh đó, hiện nay giá thức ăn gia súc, gia cầm và con giống đã quay trở về đúng giá trị của nó. Từ những yếu tố đó, người chăn nuôi tích cực tái đàn, đẩy mạnh chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng không nên tái đàn ồ ạt mà cần phải lựa chọn con giống tốt, sạch bệnh.
 
Đồng thời, đưa các con giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, khai thác các con giống đặc sản mang tính đặc trưng của vùng miền. Áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập. Cùng với đó, người chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tiêm phòng đúng định kỳ, kiểm soát tốt dịch bệnh.
 
Theo khuyến cáo của ngành thú y, dịp cuối năm, nhất là khi thời tiết chuyển mùa cũng là lúc dịch bệnh phát sinh mạnh, đặc biệt là dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm. Bên cạnh sự chủ động của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp, các đơn vị dịch vụ ngành cũng cần chủ động nguồn con giống tốt, tổ chức kiểm tra, giám sát thị trường, tổ chức tiêm phòng các loại vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các điểm chợ và nơi kinh doanh sản phẩm động vật. Cùng với đó, bà con cần chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ, làm chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh, chất khoáng cho vật nuôi mùa giá rét.

Chăn nuôi sẽ hiệu quả khi chúng ta biết sản xuất theo tín hiệu của thị trường và chăn nuôi theo đúng quy trình, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Ngọc Trúc