Gương sáng vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/10/2017 | 11:06:55 AM

YBĐT - Lên xã vùng cao Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, nhắc đến anh Hoàng Đình Văn, dân tộc Thái ở thôn Lừu 2 thì ai cũng biết, bởi anh là một nông dân trẻ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ mọi người về giống, vốn, kỹ thuật cùng vươn lên thoát nghèo.

Anh Hoàng Đình Văn đang chăm sóc đàn bò.
Anh Hoàng Đình Văn đang chăm sóc đàn bò.

Sinh ra và lớn lên ở nơi nghèo khó, nên sau khi học xong cấp III, anh Văn không đi học chuyên nghiệp mà ở nhà lấy vợ và làm kinh tế. Anh ý thức được rằng, muốn có cuộc sống ấm no thì mình phải tự vươn lên, tích cực sản xuất và tìm được cách làm hay, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất theo hướng hàng hóa.
 
Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải... và tìm hiểu cách làm kinh tế qua các kênh thông tin đài, báo và đặc biệt là thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo động lực cho anh quyết tâm làm giàu, góp phần thúc đẩy quê hương phát triển. Năm 2005, anh vay mượn của bạn bè và Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm chuồng trại, mua con giống. Ban đầu, anh chăn nuôi lợn, các loại gia cầm và anh đã tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn như: ngô, thóc, rau xanh... để làm thức ăn chăn nuôi.
 
Để giữ vệ sinh môi trường, anh đã làm trang trại ở cách xa khu dân cư trên 1 km, đào hố sâu để ủ phân làm gia súc làm phân bón; chú ý vệ sinh chuồng trại nên đàn lợn, gia cầm phát triển nhanh, không bị dịch bệnh; quy mô chăn nuôi dần được mở rộng. Hiện tại, anh luôn có 5 con lợn nái và lợn thịt từ 50 trở lên. Bình quân mỗi năm anh xuất chuồng 4 tấn lợn hơi, thu về 120 triệu đồng.

Chăn nuôi lợn hiệu quả, thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng lên, anh Văn tiếp tục đầu tư nuôi bò. Hiện nay, anh duy trì quy mô trên dưới chục con bò và mỗi năm bán từ 2 đến 3 con giá từ 20 triệu đồng đến 27 triệu đồng/con. Từ chăn nuôi lợn, bò, bình quân mỗi năm anh có nguồn thu 180 triệu đồng. Chăn nuôi hàng trăm con gà, vịt, ngan… đủ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cùng với chăn nuôi, anh Văn còn tích cực thâm canh, tăng vụ các loại cây trồng, trong đó có 3.000 m2 ruộng 2 vụ, mỗi vụ thu 2,5 tấn thóc; trồng trên 1.000 m2 ngô đồi mỗi năm thu gần 2,5 tấn.
 
Nhờ vậy, gia đình đã có đủ lương thực và thức ăn chăn nuôi... Địa bàn thôn ở cách xa trung tâm huyện, nên để bà con dễ dàng mua được các mặt hàng thiết yếu, anh Văn đã mở quán tạp hóa. Từ các nguồn thu, mỗi năm gia đình anh đã có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh còn trồng rau sạch với 1.000 m2 để bán cho các trường học bán trú, dân bản và các địa phương lân cận.
 
Anh Văn tâm sự: "Phát triển kinh tế tuy khó khăn nhưng nếu có lòng quyết tâm sẽ làm được. Khi tôi mới làm cũng gặp không ít khó khăn về vốn, giống, đặc biệt là kinh nghiệm nhưng bằng sự phấn đấu, tôi đã vượt qua và đạt được thành công như ngày hôm nay”. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo về vốn, giống như ông Mè Văn Viên, Hoàng Văn Kiệm ở thôn Lừu 2 và nhiều người ở nơi khác.

Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu đánh giá: "Anh Hoàng Đình Văn là hội viên nông dân trẻ có năng lực, là điển hình trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Anh là tấm gương sáng của địa phương cho mọi người học tập và làm theo. Với những nỗ lực của mình, anh Văn nhiều năm liền được Hội Nông dân huyện và tỉnh tặng giấy khen, bằng khen.

Sùng A Hồng