Vãn cảnh Bách Lẫm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2017 | 8:01:18 AM

YBĐT - Phía Đông Nam thành phố Yên Bái có một quả đồi nhỏ, cao chừng mười lăm mét, soi bóng nước sông Hồng – gọi là đồi Bách Lẫm. Những bóng cổ thụ bốn mùa xum xuê bên mái chùa và đền nhỏ, tạo nên một cảnh quan đẹp và tôn nghiêm giữa lòng thành phố.

Chùa Linh Long và đền Đông Cuông vọng.
(Ảnh: Thu Chung)
Chùa Linh Long và đền Đông Cuông vọng. (Ảnh: Thu Chung)

Chùa Bách Lẫm xưa (ngày nay có tên tự là chùa Linh Long) và đền Đông Cuông vọng vốn là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của người Việt xưa. Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh. Chùa Bách Lẫm và đền Đông Cuông vọng cũng là một trong hàng chục ngôi đền, chùa còn lại trong lịch sử hình thành của vùng đất cổ Yên Bái.

Theo một số tài liệu khảo cứu cho biết, chùa Bách Lẫm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ mười tám. Do điều kiện địa hình miền núi nên ban đầu, chùa được xây dựng bằng tranh tre và gỗ rừng. Qua thời gian mưa nắng và chiến tranh tàn phá, dáng vẻ nguyên sơ của Bách Lẫm  và Đông Cuông vọng đã có nhiều thay đổi. Chùa và đền từng được tu sửa và tôn tạo lại hai lần (1970 và 1980) mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn với mô típ kiến trúc chồng rường.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Bách Lẫm có thờ Tam Bảo, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại, tương lai và thờ Đức Phật Bà cứu tế chúng sinh. Đặc biệt, chùa còn giữ được bức bia đá "Thần Phật bi hậu ký” niên hiệu Duy Tân nhị niên - 1908. Văn bia trong sáng, chau chuốt ghi lại công đức của một tín nữ đã thành tâm hằng xả công đức cho chùa và đề cao thuyết nhân quả trong đạo Phật. Văn bia còn hàm chứa nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa: "Quê ta có dòng sông Triệu Thủy, có rừng đào Lẫm Sơn, quả là nơi danh thắng của hạt Yên Bái. Cổ tích bấy nay có đền thờ thần, có chùa phụng phật. Song, trải cơn binh hỏa giang sơn đã lắm đổi thay… ”.

Trong đền Đông Cuông vọng, thờ đức Mẫu Thượng ngàn và Thần vệ quốc Hưng Đạo Vương. Việc thờ mẫu bên cạnh thờ thần là đúng với quan niệm dân gian. Mẫu – tức là người mẹ của vũ trụ, là tối thượng thần chi phối tư duy của nhân loại, là hiện thân của sự kính trọng, là linh hồn của vũ trụ.
 
Từ "Người” mà muôn vật nảy sinh, muôn loài tồn tại. Đông Cuông vọng là điểm bái vọng từ xa, dành cho những ai lòng thành, không có điều kiện lên với đền chính ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Chính vì thế, hàng năm, Đông Cuông vọng cũng lấy ngày Mão tháng Giêng làm ngày lễ chính. Đền Đông Cuông vọng còn có nhiều tên gọi khác như: đền vọng Thần Vệ quốc; đền vọng Đông Quang…
 
Dù sao đi nữa, trong tâm thức của người dân Yên Bái, nơi đây mãi là chốn tôn nghiêm, gửi tấm lòng thành của mình trước các vị thần đã có công vệ quốc, cho giang sơn dân cường, nước thịnh. Núi sông quần tụ, cảnh quan khoáng đạt nơi người xưa chọn đất dựng đền, phải chăng cũng xuất phát từ tâm niệm những điều tốt đẹp cho đời và cho quê hương, đó sao!

Do ở vị trí thuận lợi nên năm 1721 (niên hiệu Bảo Thái), Bách Lẫm đã được chọn làm trạm thứ mười sáu, dọc tuyến lộ trình Thao Giang lên phía Bắc của các tướng lĩnh triều Lê. Sau này, đây là điểm án ngữ quan trọng cửa ngõ phía Nam của Yên Bái. Cùng với thời gian, Bách Lẫm không chỉ vẫn vẹn nguyên ý nghĩa là nơi giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc cho mọi thế hệ mà còn là một di chỉ văn hóa Sơn Vi quan trọng, khẳng định nơi đây từng là địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Những công cụ bằng đá như: rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi xiên, mảnh tước… được phát hiện ở đây, là những thông điệp lịch sử quý giá về vùng đất Yên Bái xưa.

Bách Lẫm là một di chỉ quý cả về ý nghĩa văn hóa cũng như lịch sử và tín ngưỡng tâm linh cần được giữ gìn và tôn tạo. Để giữa lòng thành phố nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc này, mãi có một cảnh quan văn hóa tâm linh, là điểm du lịch tâm linh với những mong ước tốt đẹp của lòng người – một vị trí tôn nghiêm đề cao tinh thần hướng thiện và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Thanh Tửu