Yên Bái: Nhiều công trình cấp nước chưa phát huy hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/1/2018 | 6:53:19 AM

YBĐT - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường mang tính xã hội cao, không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn mà còn giúp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh của Yên Bái đạt 87%. Tuy nhiên, nhiều công trình cấp nước hiện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng cần có sự đầu tư sửa chữa kịp thời.

Công trình cấp nước thôn Khe Voi, xã Đông An, huyện Văn Yên cần được nâng cấp.
Công trình cấp nước thôn Khe Voi, xã Đông An, huyện Văn Yên cần được nâng cấp.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông An, huyện Văn Yên được đầu tư từ năm 2010 bằng nguồn vốn Chương trình MTQG nước sạch nông thôn, với công suất thiết kế cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 656 hộ dân ở 8 thôn trên địa bàn xã. Song do quá trình sử dụng lâu ngày, hệ thống bể lắng, bể lọc, bình áp lực và đường dây đấu nối đã bị xuống cấp, thậm chí nhiều đoạn bị hư hỏng nên hiện nay công trình chỉ đáp ứng được nguồn nước phục vụ cho 300 hộ dân trên địa bàn xã.

Gia đình chị Nông Thị Hường, thôn Khe Voi, xã Đông An có 4 nhân khẩu, cách công trình cấp nước khoảng hơn 1 km, nhưng do nguồn nước ít, khả năng cung cấp nước không đáp ứng đủ nên nguồn nước về đến gia đình rất hạn chế. Để có nước phục vụ cho sinh hoạt, chị thường xuyên phải tận dụng và tiết kiệm trong sinh hoạt.
 
Chị Hường cho biết: "Những năm trước chúng tôi không phải lo lắng đến nước sinh hoạt, nhưng 2 năm trở lại đây do nguồn nước ít đi, công trình cấp nước lại xuống cấp vì thế nước về đến nhà chỉ đáp ứng được một phần”.
 
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã, quá trình khai thác, Ban Quản lý nước sạch, sinh hoạt xã Đông An thường xuyên duy tu bảo dưỡng, kiểm tra các hệ thống  bình áp lực, bể lắng, bể lọc và đường ống nhằm kịp thời phát hiện những sự cố rò rỉ, gây thất thoát nước. Đồng thời, vận động tuyên truyền người dân trong xã tích cực bảo vệ công trình, đóng góp phí duy tu bảo dưỡng.
 
Ông Nguyễn  Đức Tuyền - Trưởng ban Quản lý nước sạch sinh hoạt xã Đông An cho biết: "Công trình cấp nước sinh hoạt của xã mặc dù đã giúp người dân trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình vận hành chưa thực sự phát huy hiệu quả do hệ thống tự chảy có công suất nhỏ, đôi khi gặp sự cố do bị xuống cấp, việc đầu tư xây dựng công trình chưa đồng bộ, phần lớn công trình chỉ đầu tư từ đầu mối tới trục chính cấp nước tập trung tại các bể, bồn chứa và vòi chung, không có kinh phí xây dựng mạng lưới cấp nước tới từng hộ”.

Công trình cấp nước thôn Bồ, xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2009, thiết kế cho hơn 100 hộ dân, thế nhưng chỉ hoạt động được vài năm công trình này đã phải ngừng hoạt động. Tại bể lắng đầu nguồn, cỏ mọc um tùm, chiếc bể lớn có chiều cao hơn 2 mét nhưng không có giọt nước nào. Hiện tại, vẫn còn một đường ống dẫn thẳng nước ra ngoài nhưng đã bị hỏng.
 
Ông Nguyễn Hữu Cả - người tham gia quản lý vận hành hệ thống cấp nước thôn Bồ cho biết: "Công trình chỉ vận hành được một thời gian là bắt đầu xuống cấp, đến nay đã ngừng hoạt động, người dân tự động phá bỏ đồng hồ, sử dụng nước không tiết kiệm, thậm chí có người để nước chảy ngày đêm. Vì thế những người phía sau không có nước để sử dụng, không thu được tiền phí quản lý, không có nguồn để duy tuy bảo dưỡng. Có người còn nói đây là công trình Nhà nước cho nên không có chuyện phải đóng tiền sử dụng”. Tương tự, công trình cấp nước thôn Dày, xã Chấn Thịnh, được đầu tư năm 2012 nhưng nay cũng đã ngừng hoạt động.
 
 
Người dân thôn Khe Voi, xã Đông An có nguy cơ thiếu nước sạch sử dụng.

Toàn tỉnh hiện có 363 công trình cấp nước tập trung thì có tới 52 công trình hoạt động kém hiệu quả, 90 công trình không hoạt động. Vì vậy, tại nhiều địa phương, nước sinh hoạt của người dân vẫn chủ yếu là nguồn nước tự nhiên từ hồ, ao, sông, suối và nguồn nước này cũng đã dần cạn kiệt và bị ô nhiễm.
 
Mặc dù, đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, song vẫn chưa tạo được sự đột phá trong việc thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch. Được biết, hàng năm mục tiêu đề ra của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là rất lớn, song mức đầu tư của Trung ương cũng như của tỉnh còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn đầu tư dự kiến.
 
Do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp tham gia xây dựng công trình còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư còn nhiều lúng túng, khiến công trình không phát huy hiệu quả tốt.
 
Nhu cầu sử dụng nước sạch ở nông thôn là rất lớn, để từng bước thực hiện việc xã hội hóa và hình thành thị trường nước sạch nông thôn, ngành chức năng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý vận hành cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt từ khu vực tư nhân tham gia trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, tạo điều kiện để tất cả người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

A.D