Để mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tích cực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2018 | 11:54:21 AM

YBĐT - Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vào chương trình ngoại khoá tại các trường phổ thông trên địa bàn là một trong những hoạt động được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Nghĩa Lộ tích cực thực hiện trong thời gian qua nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS.

Tuyên truyền bằng tờ rơi về mất cân bằng giới tính khi sinh tới giới trẻ.
Tuyên truyền bằng tờ rơi về mất cân bằng giới tính khi sinh tới giới trẻ.

Bà Bùi Thị Minh - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã cho biết: "Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Thanh niên thị xã đưa nội dung về MCBGTKS vào chương trình ngoại khóa tại các trường phổ thông trên địa bàn thị xã, cung cấp các kiến thức cơ bản về MCBGTKS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS; giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường hiểu tầm quan trọng của việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên, không phân biệt giới tính, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tính thai nhi...”.
 
Trong năm 2017, đã tổ chức được 5 buổi truyền thông về MCBGTKS cho gần 1.000 giáo viên, học sinh tham gia. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền trên loa phát thanh của nhà trường, sinh hoạt câu lạc bộ, đội giáo dục đồng đẳng, góc truyền thông thân thiện với  tần suất 1 lần/ tuần. Trung tâm cũng đã cấp phát 70 cuốn tài liệu cho tuyên truyền viên, cộng tác viên; phát 80 cuốn tài liệu tuyên truyền "Bạn có biết những điều quan trọng dành cho thanh niên trẻ”; cung cấp hơn 500 tờ rơi về các kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.

Qua thực hiện đưa nội dung về MCBGTKS, bà Bùi Thị Minh đánh giá: "Nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh các trường THPT về thực hiện giảm thiểu MCBGTKS có nhiều chuyển biến tích cực; có kỹ năng và phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giảm thiểu mất cân bằng khi sinh, bình đẳng giới. Đặc biệt, từ đó, chính những cán bộ, giáo viên, học sinh ấy lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng và nơi sinh sống, học tập, công tác; đề ra được các giải pháp làm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS ở gia đình, dòng họ, nơi cư trú”.
 
Cùng với các giải pháp khác, việc đưa nội dung về MCBGTKS vào chương trình ngoại khoá tại các trường phổ thông đã góp phần đưa tình trạng MCBGTKS trên địa bàn thị xã có những chuyển biến tích cực. Năm 2016, toàn thị xã có 421 trẻ được sinh ra, trong đó 221 bé trai, 200 bé gái. Đến năm 2017, tổng số trẻ sinh ra là 424; trong đó 203 bé trai,  221 bé gái. Như vậy, đã có những tín hiệu chuyển biến tích cực về tỷ số GTKS.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã, qua thực tế triển khai cho thấy việc đưa nội dung về MCBGTKS vào chương trình ngoại khóa tại các trường phổ thông trên địa bàn còn gặp một số khó khăn. 
 
Hiện nay, MCBGTKS chỉ lồng ghép vào những buổi ngoại khóa, triển khai chưa thường xuyên, liên tục; chưa có giáo viên, báo cáo viên chuyên sâu về phụ trách chương trình MCBGTKS. Việc triển khai nhân rộng các mô hình, buổi ngoại khóa cũng như sự chủ động trong các trường học về vấn đề MCBGTKS ở một số trường chưa được triển khai.
 
Một số lãnh đạo ngành giáo dục, nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể các cấp chưa thấy được tầm quan trọng của việc giảm thiểu MCBGTKS và nâng cao chất lượng dân số. Hiện nay, nhiều người vẫn còn quan niệm lạc hậu cho rằng việc đưa MCBGTKS, sức khoẻ sinh sản vị thành niên vào trong nhà trường là vẽ đường cho hươu chạy.
 
Bà Vi Thị Bích Phượng -  Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cũng chia sẻ: "Việc tổ chức các buổi ngoại khóa gặp khó khăn vì hiện nay thời gian học tập của các em tương đối kín. Kinh phí thực hiện các buổi ngoại khóa tại nhà trường là không có, chủ yếu lấy nguồn chi khác của đơn vị để tổ chức thực hiện”.

Để tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung về MCBGTKS vào chương trình ngoại khóa tại các trường phổ thông có hiệu quả, theo bà Bùi Thị Minh, ngành dân số, ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên cần có sự quan tâm cả về chỉ đạo lẫn hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại các trường học về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS để các buổi ngoại khóa hiệu quả và duy trì được lâu dài; có hỗ trợ nguồn kinh phí để bồi dưỡng, tập huấn cho học sinh nhà trường có kỹ năng và phương pháp tuyên truyền phổ biến kiến thức về giảm thiểu MCBGTKS, bình đẳng giới để trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng và nơi sinh sống, học tập, công tác; cần có sự thống nhất đồng bộ trong việc đưa công tác DS-KHHGĐ nói chung và chương trình ngoại khóa nói riêng về MCBGTKS vào trong các trường.

Hạnh Quyên