Nghĩa An phát triển rau an toàn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2018 | 11:58:50 AM

YBĐT - Toàn xã đã xây dựng được gần 50 hộ tham gia sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 1 ha; tập trung vào những loại rau có chất lượng cao như súp lơ xanh, su hào, bắp cải, xà lách…

Chị Hoàng Thị Minh Bắc, thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An thu hoạch cà chua vụ đông.
Chị Hoàng Thị Minh Bắc, thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An thu hoạch cà chua vụ đông.

Là hộ gia đình đi tiên phong trong phong trào sản xuất rau an toàn ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, gần tết Nguyên đán Mậu Tuất, gia đình bà Hoàng Thị Minh Bắc ở thôn Bản Vệ bận rộn hơn ngày thường. Trên diện tích gần 2000 m2 đất ruộng chuyển từ trồng lúa sang trồng rau an toàn từ năm 2010, đến nay, gia đình bà đã có gần chục năm trồng rau an toàn. Vụ rau tết năm trước, rau bắp cải, súp lơ, su hào đã mang về cho gia đình bà thu nhập gần 40 triệu đồng.
 
Chủ tịch xã Nghĩa An Vì Ngọc Trình cho biết: "Với quyết tâm xây dựng, hình thành những mô hình sản xuất rau an toàn mang lại thu nhập và phục vụ du lịch địa phương, ngoài phối hợp với các cơ sở dạy nghề của thị xã tổ chức các lớp hướng dẫn trồng rau an toàn cho người dân, xã Nghĩa An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn mô hình sản xuất rau, củ quả theo hướng an toàn kết hợp với triển khai Đề án nâng cao giá trị sản xuất nghành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ năm 2017, tầm nhìn đến năm 2020. 

Toàn xã đã xây dựng được gần 50 hộ tham gia sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 1 ha, mỗi hộ gia đình bình quân sản xuất từ 120 – 150 m2. Rau được người dân sản xuất an toàn tập trung vào những loại rau có chất lượng cao như súp lơ xanh, su hào, bắp cải, xà lách… Đặc biệt, đã có một hộ mạnh dạn trồng cây măng tây, sắp cho thu hoạch”.
 
Qua hạch toán của người dân xã Nghĩa An, trồng rau an toàn phải đầu tư thời gian nhiều hơn vì không được dùng phân hóa học mà phải sử dụng phân vi sinh đã được ủ hoai mục; thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly). Ngoài ra, người trồng rau an toàn phải thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký trồng rau hàng ngày.
 
Theo đó, thực hiện cách ly phân bón hóa học, thuốc BVTV từ 15 – 20 ngày trước khi thu hoạch… nhưng đầu ra cho rau ổn định hơn và thu nhập cũng cao hơn. Trung bình cứ 1.000 m2 rau cho người dân thu hoạch 15 triệu đồng, cao hơn từ 2 – 3 lần trồng lúa.

Trồng rau theo hướng an toàn ở xã Nghĩa An đã mang lại hiệu quả nhất định, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, rau an toàn của xã vẫn chủ yếu được bán buôn cho thương lái chợ Mường Lò, chợ Trạm Tấu và Mù Cang Chải hay những hộ làm du lịch cộng đồng tại xã, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
 
Xã Nghĩa An mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện tìm đầu ra sản phẩm ổn định cho người dân để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn, góp phần từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của thị xã Nghĩa Lộ phát triển bền vững.

Thùy Hương