Trạm Tấu: Cái lợi từ ăn chung một tết

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2018 | 7:53:46 AM

YBĐT - Thời đểm này 7 năm trước, đồng bào ở xã Xà Hồ đang xúng xính váy áo mới ăn tết, chơi xuân. Còn bây giờ, người ra đồng, lấy nước vào ruộng, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân; người lên rừng phát cỏ, chăm sóc chè cây sơn tra. 

Người dân Trạm Tấu kiểm tra mạ chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân 2018.
Người dân Trạm Tấu kiểm tra mạ chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân 2018.


Những ngày này, ở huyện vùng cao Trạm Tấu trời bắt đầu hửng nắng. Tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con ra đồng làm đất, ủ mạ chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2018, tạo nên một bầu không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi ngay từ đầu năm.

Vào thời đểm này 7 năm trước, đồng bào ở xã Xà Hồ đang xúng xính váy áo mới ăn tết, chơi xuân theo phong tục truyền thống của người Mông. Còn bây giờ, người ra đồng, lấy nước vào ruộng, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân; người lên rừng phát cỏ, chăm sóc chè cây sơn tra. 

Bí thư Đảng ủy xã Chớ A Páo hồ hởi cho hay: "Nhiều năm nay, đồng bào mình hiểu được việc ăn chung một tết là không lãng phí thời gian, không tốn kém tiền của, con em không phải nghỉ học dài ngày nữa”. Đúng như lời của Bí thư Páo, những ngày qua, người dân ở Xà Hồ đang tập trung khắc phục các công trình thủy lợi do trận mưa lũ vừa qua gây ra để lấy nước, làm đất cho vụ xuân 2018. Ông Vàng A Súa - người có ưu tín ở thôn Tà Ghềnh cho biết: "Thôn mình có 168 hộ. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán, lúc đầu nhiều hộ không đồng thuận lắm. Nhưng khi được cán bộ đến từng nhà vận động, chỉ ra cái hay, cái tốt nên bây giờ tất cả dân trong thôn đã ăn chung một tết Nguyên đán".

- Việc ăn chung một tết có làm ảnh hưởng phong tục, tập quán của người Mông không? - tôi hỏi.

- Không đâu! Chỉ lùi lại thời gian thôi, mọi tập quán vẫn được giữ nguyên - ông Súa khẳng định.

- Vậy, ăn chung một tết có tốn kém không?

- Ồ không! So với trước đây, đồng bào ăn tết kéo dài cả tháng thì bây giờ ít ngày hơn, học sinh không phải nghỉ học lâu ngày nữa. Đồng bào mình thì có thời gian làm đồng, không để ruộng bỏ hoang nữa - ông Súa chia sẻ. 

Nói là vậy, nhưng khi tỉnh mới có chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán, đồng bào nơi đây cũng bàn tán xôn xao, người đồng thuận, người chưa đồng thuận, bởi đồng bào cho rằng ăn chung một tết sẽ mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Nhưng được cán bộ kiên trì đến vận động, phân tích, bà con thấy hợp ý nên đã nghe và làm theo. Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Bây giờ huyện không phải cử cán bộ đến vận động, kiểm tra nữa. Đồng bào đã nhận rõ được hiệu quả của việc ăn chung một tết rồi. Không những tự giác ăn chung một tết mà người dân đã biết làm theo Bác dạy, không ỷ lại, không trông chờ vào Nhà nước, từng bước xóa bỏ hủ tục để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững". 

Kết thúc năm 2017, huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có 20/24 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 36,3 tỷ đồng, bằng 125,2 % kế hoạch; tổng sản lượng lương thực ước đạt 22.048 tấn, tăng 48 tấn so với năm 2016; tổng đàn gia súc chính trên 31.400 con, tăng 1.472 con so với năm 2016. 

Những ngày đầu tháng 1/2018, khi thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh đã có trên 90 con trâu bò bị chết, nhưng huyện Trạm Tấu với sự chủ động của người dân trong phòng chống đói rét nên không có hiện tượng gia súc bị chết. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự nhận thức đúng đắn của đồng bào trong việc xóa bỏ các hủ tục; qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên bộ mặt nông thôn mới ở Trạm Tấu ngày càng khởi sắc. 

Kết quả ấy là nền tảng, là tiền đề quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Văn Tuấn