Làng nghề Yên Bái rộn rã vào xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/2/2018 | 4:12:46 PM

YênBái - YBĐT - Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê đều có một sản phẩm mang nét đặc trưng riêng nhưng tựu chung lại, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh chính là góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống và mang đến cho người dân làng nghề một cái Tết sung túc, đầm ấm.

Làng nghề miến Giới Phiên

Để đáp ứng nhu cầu miến đao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày này, gia đình ông Vũ Gia Thơm, thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái tranh thủ tiết trời khô ráo đỏ lửa liên tục để cho ra lò những phên miến phục vụ tết. Giá miến ngày Tết có cao hơn ngày thường chút ít, dao động từ 45 – 60 nghìn đồng/kg và nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn, song gia đình ông Thơm và các hộ dân làng nghề luôn đặt mục tiêu chất lượng và an toàn thực phẩm lên hàng đầu. 



Làng nghề sản xuất miến xã Giới Phiên luôn đặt mục tiêu chất lượng và an toàn thực phẩm lên hàng đầu. 

Miến đao Giới Phiên là sản phẩm đã có tiếng từ nhiều năm. Miến được làm từ bột dong riềng nguyên chất, sợi miến có màu trong, khi nấu rất dẻo, mềm, dai, có vị thơm ngon đặc trưng. Tết là thời điểm miến được thị trường lựa chọn nhiều nhất vừa làm thực phẩm vừa làm quà biếu. Với 53 hộ dân chuyên sản xuất miến đao, năm 2017 vừa qua, làng nghề miến Giới Phiên đã cung cấp ra thị trường gần 700 tấn miến khô thành phẩm, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 26 triệu đồng/năm.

Làng nghề đan rọ tôm

Mùa xuân đang đến rất gần, song gia đình bà Dương Thu Xuân, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình vẫn miệt mài đan rọ tôm cung cấp cho khách hàng dịp ra Giêng. Thời điểm này, do nhu cầu thị trường tăng cao nên giá thành rọ tôm cũng cao hơn ngày thường. Trung bình mỗi ngày bà Xuân đan được khoảng 20 chiếc rọ. Với giá thành trung bình từ 5 – 6 nghìn đồng/chiếc, như hiện tại, bà cũng có thêm thu nhập để sắm sửa cho một cái Tết đủ đầy. 



Đến nay, làng nghề đan rọ tôm đã có gần 100 hộ dân đan rọ quanh năm.

Dưới đôi bàn tay của người thợ cần cù, siêng năng, những chiếc rọ tôm của làng nghề đã trở thành sản phẩm có thương hiệu, bởi chất lượng rọ đẹp, bền, "tôm dễ vào, khó ra”. Đến nay, làng nghề đã có gần 100 hộ dân đan rọ quanh năm, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trung bình mỗi năm, sản lượng rọ tôm của thôn Đồng Tâm đạt trên 1 triệu 400 nghìn chiếc, doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng. Làng nghề đan rọ cuối năm sôi động, nhộn nhịp, đây là tiền đề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế -  xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phúc An. 

Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê đều có một sản phẩm mang nét đặc trưng riêng nhưng tựu chung lại, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh chính là góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống và mang đến cho người dân làng nghề một cái Tết sung túc, đầm ấm. 

Thanh Chi – Hoài Văn