Hiến máu cứu người - bắt đầu từ nhà quản lý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2018 | 7:10:03 AM

YBĐT - Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ – TTg, lấy ngày 7/4 hàng năm làm "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”.


Cùng với cả nước, hoạt động hiến máu tình nguyện thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; diễn ra sôi nổi ở khắp các cơ quan, ban, ngành, địa phương và nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
 
Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 70/180 xã, phường, thị trấn thành lập được ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 – 2013, đến năm 2017 đã có 128/180 xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện.
 
Cùng với đó, đã thành lập 22 câu lạc bộ tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện. Bình quân, mỗi năm đã tổ chức 9 đợt hiến máu tình nguyện với hàng nghìn người tham gia hiến máu. Hiến máu tình nguyện đã trở thành một hoạt động thường xuyên, một phong trào rộng khắp tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh, kết quả đạt được ngày càng khả quan, thiết thực.
 
Nếu như giai đoạn năm 2008 – 2011, toàn tỉnh tiếp nhận trên 2.970 đơn vị máu thì năm 2012 tổng lượng máu tiếp nhận tăng lên 1.300 đơn vị, năm 2017 tăng lên gần 2.700 đơn vị, đạt 99% kế hoạch đề ra; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 65%, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt 30%, đáp ứng 50% nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kết quả phong trào hiến máu tình nguyện đã giúp các cơ sở y tế có nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Nhưng tình trạng thiếu máu vẫn đang diễn ra trong các cơ sở điều trị y tế, đặc biệt mất cân đối nhóm máu, điển hình là nhóm máu O, A.
 
Để khắc phục tình trạng trên, ngay bây giờ, các các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện và gương mẫu, đi đầu, tự nguyện đăng ký tham gia; tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng tình nguyện viên tham gia các đội hiến máu khẩn cấp tại các địa phương, đơn vị; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác hiến máu tình nguyện.
 
Mặt khác, cần đầu tư cho công tác tuyên truyền vận động hiến máu bởi việc cho máu là hoàn toàn tự nguyện nhưng công tác tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc, bảo quản và công tác điều trị cho người bệnh thì lại cần nguồn chi phí rất lớn. 

Chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa với phương châm "Máu cứu người - bắt đầu từ nhà quản lý”. Thực tế cho thấy, ở nơi nào lãnh đạo hăng hái, nhiệt tình, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó sẽ có phong trào hiến máu phát triển mạnh và bền vững.

Phong Sơn