Cần sức mạnh tổng hợp trong phòng cháy, chữa cháy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2018 | 7:54:26 AM

YBĐT - Thống kê 3 tháng đầu năm 2018 cho thấy, cả nước đã xảy ra 1.085 vụ cháy nổ, làm 33 người chết và 66 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 413,2 tỷ đồng.

Trong đó, vụ cháy mới đây nhất khiến dư luận bàng hoàng, xót xa là vụ cháy chung cư Carina Plaza tại thành phố Hồ Chí Minh khiến 13 người tử vong và hàng chục người bị thương. 

Đối với tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 15 vụ cháy, trong đó cháy nhà dân 11 vụ, cháy rừng 4 vụ làm 1 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
 
Các vụ cháy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một phần không nhỏ là do ý thức chủ quan của gia đình, chủ doanh nghiệp không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và nhận thức về PCCC còn nhiều hạn chế. 

Điều đó đã một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn, mất cảnh giác trong công tác PCCC và cho thấy ở bất cứ khu vực nào nếu người dân thiếu ý thức trong công tác PCCC thì nguy cơ cháy nổ xảy ra là rất cao.

Thực tiễn cho thấy, nâng cao nhận thức về PCCC cho người dân vừa là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia PCCC. Chính vì vậy, trong năm 2017, trên 50 lớp tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ PCCC đã được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh phối hợp tổ chức với sự tham gia của gần 3.000 người.
 
Qua huấn luyện giúp người dân trang bị các kiến thức, các giải pháp an toàn cho mình và gia đình khi xảy ra sự cố cháy nổ, trong đó tập trung chỉ ra những nguyên nhân gây cháy nổ trong các hộ gia đình, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, phương pháp chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
 
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra tại 1.318 lượt cơ sở trọng điểm, quản lý chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, góp phần kiềm chế, giảm số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Tuy nhiên, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những khó khăn như: việc tuyên truyền PCCC chưa thường xuyên liên tục; còn tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng chống cháy nổ ở một số đơn vị, người dân; phương tiện chữa cháy thiếu hoặc đã xuống cấp.
 
Để công tác PCCC trong tỉnh thực sự đem lại hiệu quả, vấn đề đặt ra với các cấp, các ngành là cần có những giải pháp linh động, sát với thực tế và phải có tính bền vững. Trước hết là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC phải được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để làm chuyển biến về nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định PCCC. 

Các địa phương, đơn vị phải tăng cường trách nhiệm, gắn việc thực hiện Luật PCCC với nhiệm vụ hàng năm của đơn vị, địa phương.
 
Song song với đó, kịp thời phát hiện và nhân rộng những mô hình tốt trong phong trào toàn dân PCCC; biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong PCCC. Cùng với việc xây dựng phong trào toàn dân PCCC, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp thiếu ý thức, mất an toàn về PCCC trên địa bàn.
 
Và quan trọng hơn cả là mỗi người dân, hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp tự nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa cháy nổ. Có huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia công tác PCCC thì cuộc chiến với "giặc lửa” mới thực sự hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội bình yên, giàu mạnh.

Thanh Chi