Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Văn Chấn: Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2018 | 7:59:42 AM

YBĐT -  Một số đề án, chăn nuôi trâu, bò; phát triển chè vùng cao; trồng cây tre măng Bát độ vẫn còn những quy định "cứng nhắc”. Ví dụ như Đề án trồng tre măng Bát độ, phát triển cây chè vùng cao phải bảo đảm số diện tích đăng ký theo quy định...

Năm 2017, hộ gia đình anh Nông Văn Thân được hỗ trợ giống chè Shan giâm cành trồng được 0,3 ha.
Năm 2017, hộ gia đình anh Nông Văn Thân được hỗ trợ giống chè Shan giâm cành trồng được 0,3 ha.

Năm 2016 - 2017, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Văn Chấn đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ phát triển cây chè vùng cao; nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất ngô đông trên đất 2 vụ lúa; hỗ trợ phát triển cây ăn quả... được triển khai đến các thôn, bản trong huyện bảo đảm đúng chính sách, đối tượng đủ các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ của các đề án. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cho Đề án chăn nuôi trâu, bò, Đề án phát triển cây chè vùng cao; Đề án trồng tre măng Bát độ... còn một số khó khăn, vướng mắc khó thực hiện.

Đưa chúng tôi đi tham quan một số mô hình nuôi trâu, trồng chè Shan ở xã Gia Hội. Đồng chí Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thông tin nhanh về việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian qua: "Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các đề án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020.
 
Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức tập huấn 5 lớp với trên 200 hộ dân tham gia Đề án về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cam quýt và 24 lớp về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè cho 904 hộ và thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân về chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống đói rét, sâu, bệnh hại trên cây trồng, đàn vật nuôi thông qua đội ngũ khuyến nông viên cơ sở.
 
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như: Đề án phát triển chăn nuôi, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, Đề án phát triển cây ăn quả (cam, quýt), Đề án phát triển chè vùng cao, Đề án phát triển vùng đặc sản lúa nếp Tú Lệ giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện...”.
 
Những thông tin mà đồng chí Nông Ích Chấn trao đổi còn dang dở thì chúng tôi đã tới địa phận xã Gia Hội. Cho xe đỗ vào lề đường, đồng chí cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng đi dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu của gia đình anh Lò Văn Kính ở thôn Nam Vai.
 
Anh Kính phấn khởi khoe: "Năm 2016, gia đình tôi được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã làm được chuồng và trồng trên 2.000 m2 cỏ làm thức ăn cho trâu. Trước đây chưa có chuồng, nhiều khi trời mưa rét để trâu trên rừng, đã bị chết mất mấy con rồi. Từ khi có chuồng, những ngày mưa rét, không đưa trâu đi thả mà buộc ở chuồng cắt cỏ về cho trâu ăn yên tâm hơn, không sợ trâu chết rét và bị mất nữa. Năm 2017, tôi bán 2 con trâu đi để thêm tiền làm được căn nhà sàn ở cho vợ con đỡ khổ...”.

- Đề án chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên và 30 trở lên, huyện đã triển khai thực hiện được bao nhiêu cơ sở rồi? - tôi hỏi.

- Năm 2016, huyện triển khai thực hiện hỗ trợ 111 cơ sở chăn nuôi tập trung, bằng 236 % kế hoạch tỉnh giao với tổng kinh phí hỗ trợ 1.025 triệu đồng gồm: 77 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/cơ sở; 4 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con/cơ sở; 11 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa; 10 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 15 nái/cơ sở; 4 cơ sở chăn nuôi kết hợp 5 lợn nái và 50 lợn thịt/lứa/cơ sở; 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/lứa.
 
Năm 2017, hỗ trợ 21 mô hình chăn nuôi với kinh phí 495 triệu đồng gồm: 5 mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa; 5 mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên; 6 mô hình chăn nuôi kết hợp 5 con nái và 50 con lợn thịt/lứa; 5 mô hình chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên. Riêng các 12 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên và quy mô 30 con trở lên không thực hiện được – đồng chí Hoàng Hữu Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn đáp lời.

- Vì sao năm 2017, các hộ dân không đăng ký thực hiện hỗ trợ Đề án chăn nuôi trâu, bò?

- Đối với các mô hình hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò khó thực hiện vì: Tại Quyết định số 183 ngày 24/1/2017 của UBND tỉnh giao kế hoạch hỗ trợ năm 2017 và quy định quy mô vật nuôi, đối tượng hỗ trợ là các mô hình mới, thực hiện mua mới 100% trong năm 2017. Với định mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi 10 con trở lên thì tương đối thấp so với chi phí đầu tư của người dân. Để mua mới 10 con trâu, bò theo tiêu chuẩn của Đề án chi phí ít nhất là 150 triệu đồng cộng thêm chi phí làm chuồng trại nữa nên không có hộ nào đăng ký thực hiện. 

- Vậy Đề án phát triển chè vùng cao có khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện?

- Đề án này cơ bản là tốt song những hộ nghèo khó tham gia được, tý nữa các anh xuống thăm hộ dân sẽ rõ hơn.

 Để tìm hiểu về việc thực hiện hỗ trợ các hộ trồng chè theo Đề án phát triển chè vùng cao, chúng tôi đến thăm hộ anh Nông Văn Thân ở thôn Nam Vai. Anh Thân mới ra ở riêng được hơn một năm, bố mẹ chia cho hơn 2 sào ruộng, cấy hai vụ không đủ gạo ăn.
 
Được hỗ trợ giống chè Shan vùng cao để trồng, anh cho biết: "Năm 2017, tôi đăng ký xin hỗ trợ trồng 3.000 m2, đến tháng 9 được hỗ trợ 4.800 cây giống chè Shan giâm cành về trồng, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Đúng ra mình không đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ đâu, vì theo quy định của Đề án phải đăng ký trồng 0,5 ha trở lên mới được nhưng may mà vẫn được hỗ trợ giống chè để trồng...”.
 
 
Hộ gia đình anh Lò Văn Kính được hỗ trợ tiền làm chuồng và giống cỏ trồng làm thức ăn cho trâu.
 
Năm 2017, các hộ dân ở xã Gia Hội đăng ký trồng 46 ha nhưng chỉ thực hiện được 23 ha. Được biết, nguyên nhân là do đơn vị cung ứng giống, không cung ứng đủ giống chè Shan giâm cành cho các hộ trồng.
 
Theo kế hoạch thực hiện Đề án phát triển chè vùng cao của huyện: năm 2016, thực hiện hỗ trợ trồng mới 80 ha chè vùng cao, trong đó 60 ha chè Shan giâm cành: xã Gia Hội 30 ha; Nậm Búng 30 ha; chè Shan hạt thực hiện 20 ha tại xã Suối Giàng.
 
Năm 2017, kế hoạch thực hiện 140 ha, trong đó 60 ha chè Shan giâm cành và 80 ha chè Shan hạt. Nhưng sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn huyện mới trồng được 173,025 ha, bằng 29% so với mục tiêu của đề án đến năm 2020. Nguyên nhân thực hiện Đề án phát triển chè vùng cao đạt thấp là do diện tích đăng ký chưa bảo đảm kế hoạch giao do đất của các hộ nhỏ lẻ không bảo đảm quy mô 0,5ha/hộ và 2ha/nhóm hộ.
 
Ở một số xã triển khai cả hai đề án chè và quế, người dân chủ yếu đăng ký trồng quế không đăng ký trồng chè như xã Nậm Lành: quỹ đất 0,5 ha đáp ứng yêu cầu Đề án ngày càng ít. Thực tế sản xuất để trồng được 1 ha chè Shan giâm cành thì tiền giống là 16 triệu đồng, theo quyết định của tỉnh thì chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Như vậy, theo Đề án, nhân dân sẽ phải đóng góp 6 triệu đồng/ha. Trong khi đó, các hộ tham gia thực hiện Đề án ở xã Gia Hội và Nậm Búng là xã vùng 135, đa số là hộ nghèo và cận nghèo nên việc thu tiền giống của các hộ nghèo gặp rất nhiều khó khăn...

Về thực hiện Đề án trồng tre măng Bát độ cũng đăng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn huyện mới trồng được 25,1 ha, bằng 1,2% so với mục tiêu của đề án đến năm 2020. Nguyên nhân là do trên địa bàn các xã cùng một thời điểm triển khai thực hiện các đề án: cam, quế và tre măng Bát độ nên các hộ dân lựa chọn và các hộ chủ yếu lựa chọn trồng cam, quế cho những diện tích tập trung, còn các diện tích nhỏ lẻ, ven khe suối mới đăng ký trồng tre Bát độ... Các đề án: phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển cây ăn quả có múi; phát triển cây quế; canh tác ngô trên đất 2 lúa, huyện đã triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan hơn.
 
Sau 2 năm thực hiện Đề án, huyện đã triển khai hỗ trợ cho một số hộ dân ở xã Thượng Bằng La và Chấn Thịnh chuyển đổi được 2 ha lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá với kinh phí hỗ trợ 110 triệu đồng. Hỗ trợ các hộ dân 9 xã, thị trấn vùng ngoài trồng được 572,41 ha cam Đường canh, cam V2, cam chanh Vinh (CS1), bằng 52% với mục tiêu của đề án đến năm 2020, với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 10 tỷ 304 triệu đồng.
 
Hỗ trợ các hộ dân ở 19 xã trồng được 2.154,6 ha quế, đạt 86% so với mục tiêu của đề án đến năm 2020 với kinh phí hỗ trợ là trên 3.197 triệu đồng. Đề án canh tác ngô đông trên đất 2 lúa đã thực hiện trong 2 năm qua được 2.454 ha, đạt so với mục tiêu của Đề án...

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Văn Chấn đã triển khai thực hiện một số đề án: phát triển cây ăn quả, phát triển cây quế... được các hộ dân tích cực đăng ký tham gia thực hiện.
 
Song một số đề án, chăn nuôi trâu, bò; phát triển chè vùng cao; trồng cây tre măng Bát độ vẫn còn những quy định "cứng nhắc” như Đề án trồng tre măng Bát độ, phát triển cây chè vùng cao phải bảo đảm số diện tích đăng ký theo quy định; đề án chăn nuôi trâu, bò; phát triển chè vùng cao mức hỗ trợ vẫn còn thấp, như vậy sẽ "trói tay” những hộ nghèo và hộ thiếu đất sản xuất không có cơ hội tham gia các đề án để có cơ hội xóa đói giảm nghèo.
 
Vì vậy, ngành nông nghiệp và các ngành chuyên môn của tỉnh cần sớm có đề xuất điều chỉnh về chính sách hỗ trợ một số đề án và "nới lỏng” các điều kiện trong việc thực hiện các đề án, để hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất ở huyện Văn Chấn nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung, mới có cơ hội được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.   

Minh Hằng