Phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2018 | 8:08:36 AM

YBĐT - Ba năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký, dự kỳ thi thi THPT quốc gia, thi đại học ở Yên Bái có xu hướng giảm dần. Năm 2016, có 38% thí sinh tham dự kỳ thi THPT đăng ký dự thi đại học, cao đẳng; năm 2017, con số này là 42% và năm 2018 xuống còn 36%.


Những con số trên có thể coi là một minh chứng về hiệu quả công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông.
 
Ngay từ đầu năm học, ngành đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai tại các trường THPT về phân luồng, rà soát phân loại, nắm bắt nguyện vọng học sinh để có định hướng phù hợp. Các nhà trường còn tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp để các em và phụ huynh được các chuyên gia tư vấn đến từ các trường đại học, cao đẳng thông tin những nội dung đổi mới của kỳ thi, thông tin về nhu cầu tuyển sinh các ngành học của một số trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh...

Công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh THPT đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động hiện nay chưa phát triển mạnh, còn khó khăn trong lựa chọn ngành nghề của học sinh; nhiều sinh viên ra trường không có việc làm; cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT thiếu, trong khi tâm lý bằng cấp trong xã hội còn khá nặng nề…

Do vậy, ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh qua tổ chức tốt hệ thống đào tạo nghề có chất lượng theo nhu cầu của thị trường lao động; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ quan quản lý giáo dục, các trường trung học trong việc hướng nghiệp, phân luồng.
 
Bên cạnh đó, các trường nghề trên địa bàn tỉnh cần triển khai nhiều biện pháp thu hút học sinh, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Từ đó, giúp học sinh có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Huyền