Hiệu quả điều trị Methadone

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2018 | 1:52:15 PM

YBĐT - Với những ưu điểm nổi bật và lợi ích thiết thực, toàn tỉnh đã thành lập được 9 cơ sở điều trị Methadone đặt tại 7 huyện, thị, thành phố, đang điều trị cho gần 1.100 bệnh nhân. 


Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và Quyết định số 1936 về phê duyệt Đề án "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020”, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị Methadone thực hiện đúng quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hêrôin từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và viêm gan B, C. Sau một thời gian điều trị bằng Methadone, cơ bản người nghiện sẽ không cần sử dụng đến hêrôin.
 
Với những ưu điểm nổi bật và lợi ích thiết thực, toàn tỉnh đã thành lập được 9 cơ sở điều trị Methadone đặt tại 7 huyện, thị, thành phố, đang điều trị cho gần 1.100 bệnh nhân. 

Việc triển khai điều trị Methadone đã góp phần giảm chi phí cho người sử dụng vì thuốc Methadone rẻ (người nghiện chỉ tiêu tốn khoảng 7.500 đồng/ngày, tương đương 2.750.000 đồng/năm).
 
Cơ sở điều trị Methadone là điều trị ngoại trú nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không nhiều. Methadone đã giúp dừng và giảm số người sử dụng ma túy bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; giảm tỷ lệ tử vong do quá liều hêrôin; giảm tỷ lệ tiêm chích trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu.
 
Ngoài ra, những người tham gia điều trị bằng Methadone còn thường xuyên được cán bộ y tế cung cấp thông tin về biện pháp can thiệp giảm nguy cơ tình dục không an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm, do đó, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm các loại bệnh tật.
 
Qua theo dõi, hầu hết những người sau cai nghiện bằng Methadone đều đã phục hồi về thể chất, tinh thần ổn định, được sự giúp đỡ, động viên của gia đình, người thân, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, công tác phòng chống và cai nghiện ma túy, thiếu sự kiểm tra đôn đốc thường xuyên; các địa phương trong tỉnh chưa có các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Cùng đó, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn nhiều khó khăn, hạn chế, do đó, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao, trong đó số người nghiện có hồ sơ quản lý gần 2.700 người.

Yên Bái đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 50% năm 2015 lên 80% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng tìm kiếm được việc làm từ 40% năm 2015 lên 70% vào năm 2020; 75% trở lên cán bộ chính quyền các cấp và người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác phòng chống và cai nghiện ma túy; thực hiện tốt Đề án "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020”; mở rộng bệnh nhân điều trị thay thế Methadone và các điểm cấp phát thuốc. 

Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm và giáo dục, giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện thành công.

Hồng Oanh