Bây giờ là lúc cán bộ, công chức phải soi lại mình

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2018 | 7:57:31 AM

YBĐT - Trong nhiều giải pháp đưa ra thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 có giải pháp tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ chế cạnh tranh.


Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Trong nhiều giải pháp đưa ra, có giải pháp tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời, nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ chế cạnh tranh.

Tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời chính là nhằm giảm gánh nặng ngân sách đối với số lượng công chức khổng lồ, mà theo Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan Nhà nước. Và theo nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có tới 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, chúng ta đang chuyển sang quản trị về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu cao của đổi mới công nghệ. Chính những công nghệ mới, những công nghệ mà chúng ta đang tiếp cận hiện nay mới quyết định năng suất, chất lượng lao động. Do đó, bỏ biên chế suốt đời là đòi hỏi của mục tiêu cải cách nền hành chính nhằm tạo ra nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tạo lập một chính quyền kiến tạo cho sự phát triển mới.

Thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những năm qua, Yên Bái đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.
 
Đặc biệt, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 18 và 19 Trung ương 7 khóa XII, toàn tỉnh đã giảm 13% tổng số cơ quan, đơn vị (giảm 259 đầu mối, thu gọn 115 tổ chức) sau khi hợp nhất; giảm hơn 13% tổng biên chế (3.857 biên chế, trong đó có 512 công chức, 2.990 viên chức, 355 cán bộ, công chức xã) so với năm 2015, các chỉ tiêu này đều đạt cao hơn so với mục tiêu nghị quyết Trung ương.
 
Việc sắp xếp và tinh giản biên chế không chỉ giảm đầu mối và số lượng cán bộ, công chức, điều đáng mừng hơn là, qua tinh giản, hiệu lực, hiệu quả công tác được nâng lên, việc chỉ đạo công việc cũng rõ đầu mối, rõ người; cán bộ công chức thấy rõ trách nhiệm của mình và có động lực hơn trong công việc. Đặc biệt, đã tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ chi cho việc trả lương, phụ cấp và các khoản chi khác.
 
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh tiết kiệm được hơn 900 tỷ đồng, riêng năm 2018 tiết kiệm 415 tỷ đồng do không phải chi lương, chi cho hoạt động bộ máy, chi đầu tư như dự kiến ban đầu... Những kết quả này chắc chắn sẽ đạt cao hơn khi số biên chế trong thời gian tới sẽ còn giảm mạnh, sau khi tỉnh tiếp tục hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan, đơn vị, nhất thể hóa các chức danh ở cấp xã, thôn; tiến hành sáp nhập các thôn theo đúng tiêu chí, qui mô và tinh giản biên chế theo nghị quyết của Trung ương.

Chế độ biên chế Nhà nước được nhiều người ví như "vòng kim cô” che chắn cho những ai không chịu phấn đấu mà không lo bị sa thải. Bỏ biên chế suốt đời gắn với đồng bộ các giải pháp như quy hoạch cán bộ, tự chủ, tiền lương… sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xây dựng một bộ máy liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trung ương, Chính phủ rất quyết liệt. Các bộ, ngành và tỉnh cũng rất quyết liệt. Đây chẳng phải là lúc để mỗi cán bộ, công chức, viên chức soi chiếu lại mình?

Nguyễn Đình