Thủ tướng đề xuất các nước ASEAN đặt ra các ưu tiên chính sách trước cách mạng 4.0

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2018 | 2:43:37 PM

YênBái - Sáng 12.9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) chính thức được khai mạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực.

Trong phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, những cơ hội và thách thức mà 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn. Trước những cơ hội và thách thức, Thủ tướng cho rằng, các nước ASEAN cần đặt ra các ưu tiên chính sách của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra các đề xuất, trong đó trước hết là kết nối số, chia sẻ dữ liệu.
"Lãnh đạo ASEAN đã thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và ngôn ngữ. Trong cách mạng 4.0, tôi đề nghị chúng ta trao đổi để có thêm kết nối số được lồng ghép và nâng cao hiệu quả các kết nối, cùng với chú trọng nhân lên phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử… Đồng thời, dữ liệu là nền tảng của cách mạng 4.0.

Chúng ta cần xây dựng các quy tắc ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm điều chỉnh cách thức và việc dữ liệu được chia sẻ và sử dụng hiệu quả”.

Thủ tướng cho biết, trong cách mạng 4.0 cần hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông… cần hoạt động ở quy mô khu vực. Do đó, "tôi đề nghị cần xây dựng cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp và quy định của các nước thành viên ASEAN, giúp các doanh nghiệp nội khối có thể đạt được lợi thế về chuyên môn, nâng cao năng lực cạnh tranh….”.

Nội dung thứ ba được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị là thúc đẩy hình thành kết nối sáng tạo. Trong thời đại 4.0, nhiều nước ASEAN có các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm cấp quốc gia, xây dựng khuôn khổ kết nối vườn ươm quốc gia vào mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của khu vực.
Đề xuất tiếp theo của Thủ tướng là tìm kiếm phát huy tài năng. Theo báo cáo năm 2017 của Google, tình trạng thiếu kỹ sư lành nghề là thách thức lớn với ASEAN. Vì vậy, đề nghị xây dựng chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN.

Đề xuất cuối cùng do Thủ tướng đưa ra là hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và học tập suốt đời. Cách mạng 4.0 đòi hỏi mạnh mẽ về phát triển giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển mới,  sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp. Thủ tướng đề nghị hình thành hình thành kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời dành cho các nước ASEAN.

Dân số chiếm 640 triệu người, chiếm 8.5 dân số thế giới, quy mô kinh tế năm 2017 đạt hơn 2.760 triệu USD, ASEAN giờ đây là nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Á. Thủ tướng đề nghị phát huy thị trường nội khối, là thị trường đủ lớn cho chiến lược phát triển, hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025 với một ASEAN mở, hợp tác đa dạng với các đối tác, trong đó đánh giá cao vai trò quan trọng và hợp tác tích cực của WEF nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu.
 
(Theo LĐO)