Chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/10/2018 | 7:52:03 AM

YBĐT - Hiện, cả nước đã có 53.529 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 ca tử vong.


Thời tiết thu - đông thay đổi bất thường là điều kiện cho nhiều dịch bệnh phát triển, nhất là với trẻ em. Đó là, cảm cúm, thủy đậu, đau mắt đỏ, đau họng, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tiêu chảy, nhất là bệnh tay - chân - miệng (TCM).

Hiện, cả nước đã có 53.529 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 ca tử vong. Với tỉnh Yên Bái, đến ngày 30/9/2018, đã ghi nhận 194 ca mắc TCM, tăng so với cùng kỳ năm 2017.
 
Số ca mắc rải rác ở 8/9 huyện, thị trừ thị xã Nghĩa Lộ. Đặc biệt, trong tháng 9 đã ghi nhận 1 ổ dịch TCM tại huyện Trạm Tấu với 8 ca mắc, xét nghiệm 4/4 mẫu dương tính với vi rút EV71. Đây là chủng vi rút có độc lực cao, dễ gây biến chứng viêm não và có thể tử vong.

Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Vì vậy, để chủ động phát hiện, phòng chống dịch bệnh TCM tại cộng đồng, các cơ sở điều trị và tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non, các cơ quan chức năng, các đơn vị y tế và trường học cần tăng cường tuyên truyền tới người dân về cách phòng bệnh TCM theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
 
Với các đơn vị y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, kéo dài, bùng phát thành dịch. Các trung tâm y tế và phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các trường học quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh.
 
Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cần tăng cường truyền thông về bệnh TCM, phối hợp với các nhà trường, đặc biệt là các trường có học sinh bán trú, nội trú, các trường mầm non, các cơ sở chăm sóc trẻ và các trường tiểu học thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: vệ sinh nơi ăn, nghỉ, học tập; vệ sinh đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi; thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…
 
Bên cạnh chủ động phòng bệnh, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Giao thông vận tải 2, Bệnh viện Hữu Nghị 103… cần tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất các trường hợp diễn biến nặng và tử vong.
 
Cùng đó, cần củng cố, kiện toàn đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, nhân lực sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị khi có tình huống xảy ra. Ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường đưa các nội dung phòng chống dịch bệnh vào các chương trình chính khóa, ngoại khóa để giảng dạy, phấn đấu xây dựng trường học có nếp sống vệ sinh, văn minh, trường học xanh - sạch - đẹp.
 
Bên cạnh tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống bệnh TCM, các cơ sở giáo dục cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc, nghi mắc TCM tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho y tế trên địa bàn để kịp thời cách ly, điều trị sớm không để lây lan ra cộng đồng.

Thành Trung