Yên Bái chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2018 | 10:34:04 AM

YBĐT - Ngày 4/10/2018, Sở Y tế đã có Công văn số 1109/SYT-NVY về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại cộng đồng; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ca mắc để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.


Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 09/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 225 ca mắc tay – chân -  miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 (225/209). Số ca mắc rải rác ở 8/9 huyện, thành phố, trong đó huyện Văn Chấn 56 ca, Yên Bình 47, Trấn Yên 36, Lục Yên 33, Trạm Tấu 22, Mù Cang Chải 12, Văn Yên 7, thành phố Yên Bái 12 ca.  

Đặc biệt, trong tháng 9/2018 đã ghi nhận 01 ổ dịch TCM tại huyện Trạm Tấu với 8 ca mắc, xét nghiệm 4/4 mẫu đều dương tính với virus EV71 - đây là chủng vi rút có độc lực cao dễ gây biến chứng viêm não và có thể tử vong. 

Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh TCM, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của trẻ em, ngành y tế đã huy động cả cộng đồng tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
 
Bác sỹ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi với các dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. 

Bệnh phát tán quanh năm, thường tăng cao vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. 

"Tại Yên Bái, bệnh TCM vẫn đang có diễn biến phức tạp do thường lây truyền theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Trước thực trạng trên, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh tiếp tục tăng cường theo dõi dịch bệnh theo sự chỉ đạo của ngành y tế hiện nay...” - Bác sỹ Quang thông tin.

Trước sự xuất hiện của dịch bệnh TCM, ngay từ đầu năm 2018, ngành y tế và ngành giáo dục - đào tạo đã xây dựng chương trình phối hợp hành động về phòng, chống dịch bệnh TCM trong các trường học nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, bảo đảm sức khỏe cho trẻ.
 
Theo đó, các cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ đã được các cán bộ y tế cung cấp các kiến thức về bệnh TCM và được hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: vệ sinh nơi ăn, nghỉ, học tập; vệ sinh đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi; thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh; bảo đảm cho trẻ được ăn chín, uống chín, không cho trẻ uống chung cốc và ăn chung thìa, đề phòng bệnh lây lan.
 
Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện bệnh như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, giáo viên phải thông báo cho cha mẹ biết để cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời; cho các cháu nghỉ học để tránh bệnh lây lan.

 Để hạn chế bệnh TCM phát sinh, hiện nay, ngành y tế đang tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Các bậc phụ huynh cần nêu cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho con em mình. Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để hạn chế bệnh lan rộng ra cộng đồng.  
 
Thái Hưng