Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến vào Dự án Luật phòng, chống tác hại rượu, bia

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/10/2018 | 3:44:03 PM

YênBái - YBĐT - Chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Đinh Đăng Luận – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị. 


Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, gồm 7 chương, 32 điều. Luật quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia, biện pháp quản lý việc cung cấp và giảm tác hại của rượu bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong phòng chống tác hại của rượu, bia. Luật cũng áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia. 

Đặc biệt, Luật này cũng ban hành các hành vi bị nghiêm cấm như: quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức, kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh tàng trữ hàng giả, nhập lậu không đảm bảo chất lượng, ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe, sử dụng các nguyên liệu, phụ gia không đảm bảo chất lượng, không được phép dùng để sản xuất pha chế rượu.



Lãnh đạo Sở Y tế tham gia ý kiến tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ đồng tình với các nội dung dự thảo Luật và cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ được Quốc hội thông qua và sớm ban hành là điều hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của con người. 

Tham gia ý kiến về tên gọi của Luật, đa số các đại biểu nhất trí với phương án 1, với tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và đề nghị bổ sung điều chỉnh một số từ ngữ, điều khoản để khi ban hành Luật được chính xác, chặt chẽ hơn. 

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia thủ công trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, khó kiểm soát nhất là về chất lượng cũng như nguồn gốc. Do vậy, nếu Luật được thông qua sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này. 

Trong dự thảo Luật này cũng cần quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ cấp phép kinh doanh và có chế tài để xử lý nghiêm vi phạm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, bia thủ công. Vấn đề quảng cáo các sản phẩm kinh doanh rượu, bia trên mạng xã hội hay như quy định độ tuổi cần có hướng dẫn chi tiết.

 

Đồng chí Đinh Đăng Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật của các đại biểu đồng thời tiếp thu, tổng hợp để trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.  

Các đại biểu cũng cho rằng, việc quản lý rượu, bia phải có sự thống nhất đều phải thực hiện chặt chẽ như nhau, không phân biệt rượu hay bia; quy định về địa điểm bán rượu, bia; cấm uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, nhập lậu; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để phòng, chống tác hại của rượu, bia cho sức khỏe con người, tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các vấn đề kinh tế - xã hội khác…

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Đinh Đăng Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật của các đại biểu, đồng thời tiếp thu, tổng hợp để trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. 

Đức Toàn