Yên Bái chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2018 | 10:41:51 AM

YBĐT - Hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt sự chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng đánh giá năng lực - phẩm chất của học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là điểm sáng trong đổi mới phương pháp dạy và học.
Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là điểm sáng trong đổi mới phương pháp dạy và học.


Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo xu hướng phát triển giáo dục hiện đại đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2019-2020 với lộ trình cụ thể cho từng cấp học.

Chương trình có sự thay đổi tích cực về cơ cấu và thời lượng các môn học, giảm tải mạnh các tiết học cho học sinh. Đồng thời, cho học sinh có thêm những lựa chọn về môn học theo hướng phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân. 

Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ sở trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học, gần sát với phương pháp của chương trình GDPT mới. Đây chính là điều kiện thuận lợi trong công tác chuẩn bị cho chương trình GDPT mới ở tỉnh Yên Bái.

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là một trong những điểm sáng trong đổi mới phương pháp dạy và học trong nhiều năm qua. Nhà trường chú trọng đến chất lượng và đầu tư hợp lý cho các hoạt động về chuyên môn. 

Trong đó, đẩy mạnh việc dự giờ thăm lớp, dự giờ kiểm tra toàn diện giáo viên, kiểm tra công tác nhận xét, chữa bài của giáo viên theo kế hoạch kiểm tra nội bộ của nhà trường và các kỳ kiểm tra định kỳ. Việc đánh giá, nhận xét bài làm của học sinh được thực hiện theo Thông tư số 22 đã đánh giá đúng trình độ, sự tiến bộ thực chất của học sinh. 

Nhà trường thực hiện đổi mới cách ra đề và đánh giá học sinh theo hướng tăng cường đánh giá, nhận xét thường xuyên hàng ngày để theo dõi, phát hiện sự tiến bộ của học sinh không chờ đến cuối học kỳ hoặc cuối năm mới đánh giá. 100% giáo viên soạn bài trên máy vi tính, rất nhiều giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. 

Đặc biệt, trong các tiết dạy, giáo viên đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm đồ dùng tư liệu thực tế phục vụ cho bài giảng và sử dụng tương đối có hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học.

Nhà trường đã triển khai phương pháp "Bàn tay nặn bột” trong các môn tự nhiên xã hội và khoa học; 100% số lớp triển khai dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch từ năm học 2017 – 2018 tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận kiến thức, tạo hứng thú với môn học cho học sinh... 

Đó là một vài trong số những giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học mà Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của ngành, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Từ đó, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. 

Không chỉ có Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học mà trong những năm qua, hầu hết các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt sự chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng đánh giá năng lực - phẩm chất của học sinh. 

Đây chính là tiền đề để các đơn vị trường học có thể tham gia chương trình GDPT mới theo đúng lộ trình. Bởi chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu hướng phát triển chương trình của các nước tiên tiến. 

Theo tinh thần chung, chương trình GDPT mới được áp dụng chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp THPT. 

Để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. 

Bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT cho biết: Trước mắt, Sở tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, quan điểm, nội dung, lộ trình đổi mới chương trình, SGK GDPT đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, cùng toàn thể học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân. Chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo hướng tiếp tục triển khai các yếu tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp dạy học tích cực của một số nước có nền giáo dục phát triển. 

Trong thời gian chưa triển khai chương trình GDPT mới, các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới thuận lợi - bà Nguyễn Thị Thu cho biết thêm.

Về chuẩn bị đội ngũ, ngành sẽ tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong các nhà trường; xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới, đề xuất các phương án tuyển dụng giáo viên hợp lý. 

Đồng thời, khảo sát, đánh giá xác định nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, từ đó xác định mục tiêu, nội dung, phương thức bồi dưỡng phù hợp và có hiệu quả; căn cứ vào kế hoạch bồi dưỡng chung của Sở GD&ĐT, các đơn vị lập kế hoạch bồi dưỡng của đơn vị theo năm học; tăng cường hình thức bồi dưỡng trực tuyến, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tự bồi dưỡng. 

Cùng với đó, ngành tiến hành rà soát, đánh giá về cơ sở vật chất, thiết bị tại các cơ sở GDPT; xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm, sửa chữa. Xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT mới. 

Tham mưu với UBND các cấp về việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, ưu tiên các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD&ĐT cũng đã xác định được những khó khăn trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Trong đó, đa số các huyện còn thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS kể cả sau khi đã sắp xếp và thực hiện tuyển dụng mới. Do đó, một số lớp chưa thể tổ chức học 2 buổi/ngày theo quy định, ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đặc biệt, các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho phát triển giáo dục còn ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cao chất lượng học sinh và triển khai các nội dung về đổi mới phương pháp theo yêu cầu...

Trước tình hình đó, ngành cũng xác định một số giải pháp trọng tâm ngay trong năm học 2018 – 2019, trong đó tập trung tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, tiếp cận với chương trình GDPT mới. 

Huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới SGK phổ thông; đầu tư có trọng điểm ưu tiên các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, các trường chất lượng cao, các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 

Đặc biệt, tích cực tham mưu với tỉnh tuyển dụng bổ sung đội ngũ còn thiếu. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng đội ngũ; tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng đội ngũ về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục... 

Có các giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, thu hút giáo viên giỏi; bảo đảm điều kiện về đội ngũ, bồi dưỡng đội ngũ để thực hiện đổi mới chương trình, SGK; tăng cường bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học để đáp ứng yêu cầu mới...

Phát huy thành tựu của sự nghiệp GD&ĐT trong những năm qua, sự tích cực, chủ động của ngành, các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo tỉnh Yên Bái, việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới nói riêng và phát triển GD&ĐT nói chung sẽ đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thanh Ba