Nỗi buồn sau lưng núi

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/11/2018 | 1:51:09 PM

YBĐT - Những năm gần đây, hiện tượng thanh niên khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê khá phổ biến.

Lực lượng công an tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép. (Ảnh: T.L)
Lực lượng công an tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép. (Ảnh: T.L)

Đặc biệt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, các đối tượng phạm tội đã rủ rê, lừa bán người qua biên giới. Không có sự bảo đảm về pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình lao động và làm việc ở nước ngoài, thậm chí có người mất cả tính mạng.

Ngày 9/9/2018, bà Bàn Thị Ky ở thôn Khe Rồng, xã An Bình, huyện Văn Yên nhận được tin con trai Trương Văn Khọi, sinh năm 1996 đã chết ở Trung Quốc. Trước đó, Khọi và một người bạn cùng thôn đã lén vượt biên tại khu vực Lào Cai với ý định tìm việc làm thu nhập cao để đổi đời.

Gia đình bà Ky chỉ có 2 người con, bản thân bà đã ly dị chồng, là một trong những hộ nghèo nhất thôn, không có ruộng nương, cuộc sống chỉ dựa vào làm thuê thời vụ. 

Bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Bình cho biết: "Hoàn cảnh bà Ky rất khó khăn, khi biết tin con mất ở xứ người cũng không có điều kiện để đưa thi thể về nước, chúng tôi đã vận động người dân quyên góp giúp đỡ gia đình 10 triệu đồng để đưa Khọi về mai táng”. 

Trường hợp của Khọi chỉ là một trong những rủi ro xảy ra đối với những lao động xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Những trường hợp xuất cảnh trái phép đi lao động luôn phải đối mặt với trăm ngàn mối lo khác nhau, bất cứ lúc nào cũng có thể bị lực lượng chức năng sở tại truy bắt. 

Ông Nguyễn Trọng Tuynh - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Xuất cảnh lao động trái phép rủi ro rất cao. Lợi dụng việc cư trú bất hợp pháp chủ lao động Trung Quốc có nhiều thủ đoạn để bóc lột sức lao động. Họ thường chỉ trả 1 phần lương, phần còn lại để sau 2 đến 3 năm khi kết thúc hợp đồng mới trả. Nhưng đến lúc gần kết thúc hợp đồng, họ báo cơ quan chức năng bắt giữ với lý do cư trú bất hợp pháp, qua đó chiếm hết phần tiền công còn lại của người lao động. Cũng có những nơi, chủ lao động cho sử dụng ma túy để ép lao động làm việc phụ thuộc với tiền công ít ỏi so với hứa hẹn ban đầu”. 

Việc kiểm soát người dân xuất cảnh trái phép gặp rất nhiều khó khăn, theo Công an xã An Bình, trên địa bàn xã có nhiều người dân đăng ký tạm vắng để đi lao động trong nước, cũng có người vắng mặt xuất cảnh trái phép nhưng xã không nắm được chính xác, chỉ khi xảy ra mới biết.

Bên cạnh nhiều vụ việc xuất cảnh lao động trái phép, tội phạm mua bán người cũng luôn coi các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn màu mỡ để hoạt động. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật và nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa bán ra nước ngoài. 

Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trạm Tấu, ngày 28/8/2018, chị Phàng Thị Sinh (sinh năm 1995, trú tại thôn Khấu Ly, xã Bản Mù) sau một thời gian vắng mặt tại địa phương đã trở về nhà và có đơn đề nghị Công an huyện Trạm Tấu tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ việc mình bị một số đối tượng ở huyện Mù Cang Chải, trong đó có Thào A Xú (sinh năm 1997, trú tại xã La Pán Tẩn) lừa bán sang Trung Quốc. 

Tiến hành điều tra, xác minh, cơ quan Công an đã triệu tập Thào A Xú. Qua lời khai của Xú, Công an huyện Trạm Tấu đã triệu tập thêm các đối tượng có liên quan gồm: Lý A Cu, sinh năm 1988; Thào A Sử, sinh năm 1998 và Lý A Già, sinh năm 1997 đều trú tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã lừa bán chị Phàng Thị Sinh cho một người đàn ông lạ mặt tại Trung Quốc được 20 triệu đồng rồi chia nhau. 

Vào tháng 6/2017, Công an huyện Mù Cang Chải cũng triệt xóa một đường dây mua bán người có tổ chức, trong đó có 2 nạn nhân là nữ mới 17 tuổi cũng bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Mù Cang Chải đã xác định đối tượng có tên là Thào A Vinh (19 tuổi, trú tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải). 

Vinh làm nghề phụ xe khách thường xuyên di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác. Sau khi xác định Vinh chính là nghi phạm đưa 2 nạn nhân bán sang Trung Quốc, cơ quan công an đã tiến hành lấy lời khai đối tượng này. Tại cơ quan điều tra, Vinh khai qua các mối quan hệ xã hội, quen biết nạn nhân. 

Với mục đích lừa yêu, bán phụ nữ ra nước ngoài, để đưa các nạn nhân sang Trung Quốc, đối tượng này đã liên lạc với người đàn ông tên Lờ A Thông (26 tuổi) nhưng không biết địa chỉ cụ thể. Hai đối tượng bàn bạc nhau lừa bán hai nữ nạn nhân.

Hàng năm, số vụ án liên quan đến mua bán người bị phát hiện và triệt xóa tuy chưa nhiều nhưng tính chất rất phức tạp. Năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 7 vụ mua bán người, 9 tháng năm 2018 phát hiện 4 vụ. Tuy nhiên, hiện tượng người dân xuất cảnh trái phép lại rất cao, riêng ở Mù Cang Chải năm 2017 đã phát hiện 143 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (tăng 36 trường hợp so với năm 2016). 

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, cũng như tội phạm mua bán người ra ngước ngoài rất khó khăn. Lý do cơ bản nhất là tâm lý của đối tượng muốn được xuất cảnh để tìm cuộc sống sung túc hơn. 

Đặc biệt, sau khi xuất cảnh trái phép, một số đối tượng bị mua chuộc đã có những tác động làm ảnh hưởng không nhỏ đến những đối tượng đang có ý định xuất cảnh trái phép. Theo tài liệu của các cơ quan chức năng, ngoài Trung Quốc, còn phát hiện đối tượng xuất cảnh trái phép sang Lào từ những năm trước nay đã trở về địa phương, tuy nhiên chưa phát hiện có hoạt động gây mất an ninh trật tự ở địa phương. 

Trước thực trạng người dân xuất cảnh trái phép đi lao động hay bị lừa bán ra nước ngoài như hiện nay, thiết nghĩ, cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần vào cuộc mạnh hơn nữa để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

Trong đó, cần đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở; tăng cường công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không xuất cảnh trái phép; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán và tổ chức đưa người trốn ra ngước ngoài; khi có thông tin tội phạm phải kịp thời báo cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. 

Đồng thời, rà soát, nắm bắt danh sách những đối tượng có ý định, dễ bị lôi kéo xuất cảnh trái phép như: mâu thuẫn gia đình, lười lao động, học sinh mới tốt nghiệp chưa có việc làm, phụ nữ chưa chồng hoặc bỏ chồng... để có biện pháp vận động cụ thể thiết thực. 

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, lập hồ sơ đối tượng xuất cảnh trái phép; tập trung phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm. Tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở nhằm răn đe, giáo dục, ngăn chặn các đối tượng có ý định phạm tội. 

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến giải quyết vấn đề việc làm cho người dân cũng như các đối tượng sau khi xuất cảnh trái phép trở về địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ổn định cuộc sống cho người dân.

 Bàn Thị Ky - thôn Khe Rồng, xã An Bình, huyện Văn Yên:


"Nhà nghèo, đất sản xuất không có nên con cái mới phải đi làm thuê. Tôi cũng không biết nó nghe ai mà lại sang tận Trung Quốc để làm ăn. Cũng may được chính quyền địa phương, người dân giúp đỡ tôi mới đưa được con về”. 

Anh Dũng