Với ngoại ngữ, mọi nơi đều là nhà

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/12/2018 | 1:51:05 PM

YBĐT - Tôi thật sự ấn tượng khi tình cờ đọc được câu này trên mạng xã hội. Cách so sánh, ví von bằng hình ảnh hết sức quen thuộc và gần gũi với mỗi người. Câu nói nhắc tôi nhớ về quãng thời gian là học sinh, sinh viên cách đây đã hai mươi năm, ba mươi năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở thị trấn của một huyện miền núi vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, lứa học trò chúng tôi chính thức được học tiếng Anh khi vào lớp 6. Bao nhiêu tò mò, bỡ ngỡ cũng là từng ấy khó khăn của môn học mới, chúng tôi dần làm quen với nó trong mỗi tiết học. 

Sự làm quen dần ấy không trở nên thân thiết khi kết thúc học kỳ I năm lớp 7, nhà trường thông báo môn tiếng Anh cũng kết thúc vì giáo viên đã chính thức rời trường. Dù là niềm vui hay nỗi buồn trong cảm xúc của mỗi người thì rồi cũng trôi qua cùng những năm học cấp II, cấp III. 

Cánh cổng trường đại học rộng mở đón những người bạn và đón tôi tựa một giấc mơ. Giấc mơ có màu hồng và giấc mơ cũng không thiếu màu xám của một môn học mang tên: tiếng Anh. Nhìn các bạn là người thành phố ôm đến lớp và say mê đọc những quyển sách, báo, tạp chí, truyện tiếng Anh dày cộp, trong tôi đan xen cảm xúc vừa thán phục vừa thèm muốn. 

Khi ấy, sinh viên ở ký túc xá như chúng tôi hầu hết là người các tỉnh khác ngoài Hà Nội nên có chung nỗi sợ phải nói "kinh khủng khiếp” đối với tiếng Anh. 

Tối tối, chúng tôi cùng sánh bước đến lớp học để bắt đầu bằng "ây, bi...” (a, b…) tại những trung tâm ngoại ngữ đông nghìn nghịt sinh viên ngoại tỉnh. May mắn vô cùng khi kỳ học cuối của một năm rưỡi đại cương, nhà trường cho phép khóa chúng tôi được lựa chọn giữa môn tiếng Anh và môn Hán Nôm để thi lấy điểm ngoại ngữ. Chúng tôi đều "túm” lấy Hán Nôm như một chiếc phao cứu sinh đúng nghĩa dù biết sang học chuyên ngành là nỗi ám ảnh mang tên gọi là tiếng Anh sẽ quay lại. 

Tiếng Anh chuyên ngành quả thật "hóc” dễ sợ! Do đòi hỏi cao hơn về trình độ của bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết nên chúng tôi được phân học theo nhóm, mỗi nhóm 15 người, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội trực tiếp đứng lớp. Vì học nhóm nên giáo viên nắm rõ học lực của mỗi sinh viên với những điểm mạnh, điểm yếu trong từng kỹ năng. 

Kỳ thi tiếng Anh cuối học kỳ, cảm giác chịu tâm lý, áp lực hơn cả thi đại học. Giáo viên giảng dạy lại trực tiếp coi thi, sinh viên nào học tốt là "quản” chặt, cấm có hỏi được gì nên đứa lơ ngơ lại hỏi đứa lớ ngớ… Điểm thi tiếng Anh trở thành một trong những môn được ngóng đợi nhất. Cứ được điểm 5 đã vui, nếu là điểm 7 thì sướng như được điểm 10: công sức mình nỗ lực cày đêm. 

Ra trường, trở về quê công tác gần hai mươi năm nay, tiếng Anh cũng nhanh chóng "rời bỏ” tôi bởi chẳng hề một lần sử dụng. Từng ấy năm đã qua, cứ mỗi lần nghe nhắc đến ngoại ngữ, đến tiếng Anh, trong tôi có gì như sóng gợn… 

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Thủ tướng cần sớm công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Mong muốn ấy thật ý nghĩa biết bao khi cách mạng công nghiệp 4.0 càng cho thấy vai trò, ích lợi lớn lao của ngoại ngữ! Ý kiến của ông Bộ trưởng cũng khơi gợi nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay. Nếu không bắt đầu từ hôm nay thì điều ấy cũng không trở thành hiện thực ở tương lai. 

Tôi ước sao học trò vùng cao, vùng khó khăn cũng sẽ có một môi trường tốt để được dạy, được học tiếng Anh giống học trò ở miền xuôi, thành phố. Như thế mới bảo đảm sự công bằng về cơ hội học tập, cơ hội việc làm, để lớp trẻ tương lai có thể tự tin bước ra thế giới trong thời đại hội nhập với khát vọng làm rạng danh đất nước.

Hương Nguyễn