Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/1/2019 | 8:05:49 AM

Nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt, từ nay đến tết Nguyên đán, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao. 

Theo Cục Thú y, trên cả nước đã phát hiện 48 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn tại nhiều tỉnh, thành phố làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Tại tỉnh Yên Bái, từ cuối tháng 12 năm 2018 đến nay, dịch LMLM đang xuất hiện tại 11 thôn bản ở 5 xã của 2 huyện Văn Yên, Trấn Yên, tổng số lợn mắc bệnh là 257 con, chết và tiêu huỷ 117 con.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương có dịch khẩn trương bao vây khống chế dịch bệnh. Chi cục chăn nuôi và thú y đã cấp 7.650 liều vắc xin, 1.230 lít thuốc tiêu độc khử trùng cho các địa phương; phối hợp tổ chức vệ sinh, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ gia súc có dịch và các xã có nguy cơ cao. 

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt, từ nay đến tết Nguyên đán, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao. 

Cùng đó, đàn lợn lớn, áp lực xuất chuồng của người chăn nuôi tăng cao, không loại trừ trường hợp người dân tiếc của bán chạy gia súc càng làm dịch nguy cơ lây lan. 

Việc cần làm ngay là kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên tổ chức tiêu độc, phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi cũng như nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm để tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường; bổ sung các dụng cụ trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, hoá chất khử trùng, để chủ động ứng phó khi có dịch; tập trung kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi xảy ra; khuyến khích các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia công tác giám sát dịch, báo cáo dịch kịp thời không giấu dịch; tăng cường tiến hành kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm. 

Ðặc biệt, khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường không được giấu dịch mà phải chủ động thông báo đến các cơ quan chức năng để có biện pháp tập trung khoanh vùng dập dịch và xử lý ngay từ ổ dịch. Muốn vậy, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi biết và chủ động phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, kiểm soát không để người dân bán chạy gia súc mắc bệnh ra ngoài khiến dịch bệnh lây lan, có vậy mới hạn chế được dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi, giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi trên địa bàn. 

Văn Thông