Yên Bái sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/1/2019 | 8:51:23 AM

YênBái - Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 127 trường, 362 điểm trường, 200 lớp; tăng 16.672 học sinh các cấp, tăng 8.558 học sinh bán trú. Tỷ lệ biên chế giáo viên hiện có so với định mức theo quy mô năm 2018 - 2019 đạt 91,8%.

Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp góp phần thu gọn đầu mối.
(Ảnh minh họa)
Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp góp phần thu gọn đầu mối. (Ảnh minh họa)

Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 668 phòng học, đạt 76,9%; xây dựng 353 phòng ở cho học sinh, đạt 80,7%; xây dựng 57 bếp - phòng ăn, đạt 93,4%; xây dựng 94 nhà vệ sinh, đạt 108,6%; xây dựng 70 công trình nước sạch, đạt 105%; 16 phòng ở giáo viên, đạt 8,2%; đầu tư 1.700 chiếc giường tầng, đạt 44,9%; mở rộng quỹ đất 105.993m2, đạt 63,6%. 

Qua sắp xếp theo Đề án, đến tháng 10/2018, toàn tỉnh có 403 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; 463 điểm trường, 6.007 lớp, 183.760 học sinh các cấp, 22.318 học sinh bán trú. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. 

Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh khá, giỏi THCS đạt 42,1%, tăng 1,8%; tỷ lệ học sinh khá giỏi THPT đạt 53,3%, tăng 2,9% so với năm học 2015 - 2016. Tỷ lệ học sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng các năm học duy trì ở mức trên 31%. 

Thông qua việc triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị. 

Sau khi sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng. 

Đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, công tác quản lý, giảng dạy, chăm sóc, giáo dục được tăng cường, giúp học sinh có điều kiện rèn luyện kỹ năng sống, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa thường xuyên, hiệu quả hơn. 

Từ những kết quả đạt được, kinh nghiệm mà ngành giáo dục rút ra để việc thực hiện Đề án tiếp tục đạt hiệu quả trong lộ trình tiếp theo là phải thường xuyên xem xét, tổng hợp tình hình trong quá trình triển khai thực hiện Đề án để kịp thời đề xuất, tham mưu với tỉnh các giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh.

Triển khai có hiệu chương trình bồi dưỡng thường xuyên ở các cấp học, bậc học theo đúng yêu cầu của ngành đối với giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường khảo sát năng lực, đánh giá, phân xếp loại giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục làm cơ sở sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ đảm bảo hợp lý, hiệu quả. 

Cấp ủy, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, bản vào cuộc tích cực để thực hiện Đề án đúng kế hoạch; tập trung vào công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân về chủ trương thực hiện Đề án.

Thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ các quy trình sáp nhập trường, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động đội ngũ, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường; chú trọng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để giải quyết các khó khăn cho các cơ sở giáo dục, nhất là ở những trường có đông học sinh bán trú...

Năm 2019 tỉnh đề ra mục tiêu sáp nhập 102 điểm trường, trong đó: huyện Văn Chấn 42 điểm, Trấn Yên 9 điểm, Văn Yên 32 điểm, Yên Bình 9 điểm, Lục Yên 5 điểm, Trạm Tấu 5 điểm.

Dự kiến triển khai 54 dự án hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để xây dựng 170 phòng học, 32 phòng ở cho học sinh, 5 bếp - phòng ăn, 16 nhà vệ sinh, 5 nhà tắm, 3 công trình nước sạch, mua sắm 328 giường tầng, mở rộng quỹ đất 9.200 m2.

Tổng mức đầu tư các dự án cho việc thực hiện Đề án là 103.039 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 65.149 triệu đồng, ngân sách cấp huyện đối ứng 37.890 triệu đồng.

Hồng Oanh