Yên Bái chủ động phòng chống bệnh cúm mùa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2019 | 2:32:23 PM

YênBái - Tính từ thời điểm trước tết Nguyên đán đến ngày 17/2, số ca mắc cúm mùa lũy tích 416 ca, trong đó, huyện Trấn Yên nhiều nhất 168 ca, Trạm Tấu 94 ca, thành phố Yên Bái 67 ca. 

Các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái khám, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bệnh nhi điều trị tại khoa. (Ảnh: Đức Toàn)
Các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái khám, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bệnh nhi điều trị tại khoa. (Ảnh: Đức Toàn)

Qua nắm bắt thực tế ở các địa phương, hiện nay, không có ca nào mắc mới, tính từ thời điểm trước tết Nguyên đán đến ngày 17/2, số ca mắc cúm mùa lũy tích 416 ca, trong đó, huyện Trấn Yên nhiều nhất 168 ca, Trạm Tấu 94 ca, thành phố Yên Bái 67 ca. 

Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên và bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông - xuân. Bệnh cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp, qua nước bọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. 

Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 5 - 10% người lớn trưởng thành và khoảng 20 - 30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó, có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500.000 người tử vong. 

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. 

Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân. Tại Việt Nam nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. 

Song, thời điểm này, qua xét nghiệm cho thấy, phần lớn bệnh nhân bị cúm mùa là do vi rút cúm A, chỉ một số trường hợp do cúm B. Xuất hiện nhiều vào mùa đông - xuân, bệnh cúm mùa thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Dù được kiểm soát, tuy nhiên, trước diễn biến của thời tiết và dịch bệnh nên không được chủ quan. Trao đổi với chúng tôi về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm mùa, bác sỹ Chuyên khoa I Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm, các triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện những cơn sốt cao 39 - 40 độ C. 

Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn; đau tai, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy… 

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. 

"Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong” - Bác sỹ Quang chia sẻ.

Với người nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly. Với trường hợp nhiễm cúm nhưng biểu hiện nhẹ, chưa biến chứng có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế... 

Khi bệnh nhân sốt trên 38 độ C, để hạ sốt chỉ dùng paracetamol. Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin) và cân bằng nước điện giải. 

Nếu triệu chứng nặng lên, nên đến cơ sở y tế khám để xác định mức độ bệnh và được tư vấn, hướng dẫn, điều trị thích hợp. Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng vi rút được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ (chỉ được điều trị tại các cơ sở y tế). 

Cụ thể như: bị cúm nặng, cúm ác tính hoặc cúm trên những bệnh nhân có nguy cơ dễ diễn biến nặng và có biến chứng như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... 

Những trường hợp này cần được điều trị tại các cơ sở y tế; thậm chí, phải chuyển tuyến nếu vượt quá trình độ chuyên môn của tuyến dưới. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các việc như: đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.                               
Trần Minh